Nghi vấn về thái tử Tất Đạt Đa có ba vợ

04 Tháng Sáu 201502:44(Xem: 13010)

NGHI VẤN VỀ THÁI TỬ TẤT ĐẠT ĐA CÓ BA VỢ

Tâm Diệu 

thai tu tat dat da xuong toc
Tượng thái tử Tất Đạt Đa xuống tóc xuất gia
( tác phẩm nghệ thuật Phật giáo Myanmar )

Trong một quyển sách Hòa thượng Thích Thanh Từ nói rằng Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhattha Gotama) có ba vợ: bà Cu-tỳ-gia (Gapica), bà Gia-du-đà-la (Yasodhara), và bà Lộc giả (Urganica). Điều này đã trở thành một nghi vấn trong giới học Phật từ nhiều năm qua.  

Nhằm giải tỏa mối nghi này, chúng tôi đã truy tìm nguồn gốc trong các kinh sách tiếng Việt, tiếng Hán và tiếng Anh.

Về các kinh sách tiếng Việt tạng Pali và tạng Sanskrit bao gồm cả kinh Trưởng lão Ni Kệ có trong Thư Viện Hoa Sen và các thư viện khác thì chúng tôi không thấy đề cập đến sự kiện này. Riêng các sách Phật Học tiếng Việt viết trước và sau năm 1975, ngoài quyển sách Bước Đầu Học Phật của Hòa thượng Thích Thanh Từ [1] còn có quyển Tự Điển Phật Học của cụ Đoàn Trung Còn [2] là có đề cập đến việc Thái tử Tất Đạt Đa có ba vợ.

Về sách tiếng Anh chúng tôi tìm thấy quyển A Mysterious Being: The Wife of Buddha biên soạn bởi Giáo sư Andre Bareau, Universite de France, dịch ra tiếng Anh từ nguyên tác tiếng Pháp bởi Kyra Pahlen [3]. Trong quyển sách này tác giả đã đề cập đến nhiều nguồn sử liệu nhưng việc Thái Tử Tất Đạt Đa có ba vợ trong sách được trích dẫn nguồn từ bộ Đại Sự (Mahāvastu), một tác phẩm bằng tiếng Sanskrit và Prākrit của những người theo Thuyết Xuất Thế Bộ (Lokottaravādins) nói về những chuyện tiền thân của đức Phật cũng như nhiều vấn đề pha tạp khác, đặc biệt về lịch sử của Ngài. Trong sách này tác giả cho biết trong dịp Đức Phật về lại hoàng thành thăm vua cha sau khi đã giác ngộ. Bà Gia-du-đà-la (Yasodhara) đã thỉnh mời Phật thọ trai. Trong bữa thọ trai này có hiện diện cuả tất cả thê thiếp cũ của Thái tử Tất Đạt Đa (Yasodhara invites Buddha for lunch at the palace with the intention of not letting him leave her again. During this lunch, all of Buddha's ex-wives and concubines use every means they can by which to seduce him.) Một điều đáng lưu ý là soạn gỉa đã không nói rõ thê thiếp là những ai mà chỉ ám chỉ chung chung là “all of Buddha's ex-wives and concubines”. Dẫn chú này không chính xác và không đủ độ khả tín.

Về sách Phật học Hán văn, gần đây nhất có bản Việt dịch của Cư sĩ Nguyễn Minh Tiến dịch từ nguyên tác An Sĩ Toàn Thư (của Chu An Sĩ đời Thanh) trong đó có đoạn Hán văn dịch Việt như sau:

"Bấy giờ, vua Tịnh Phạn mang đầy đủ lễ vật hỏi cưới công chúa Da-du-đà-la về làm thái tử phi, cùng với hai thứ phi khác nữa tên là Cù-di và Lộc-dã. Như vậy, thái tử có ba người phi."

Nguyên văn chữ Hán là:

"爾 時 淨 飯 王 ,聘 耶 輸 陀 羅 為 太 子 妃 ,俱,具 足 姻 禮 。複,復 增 二 妃 ,一 名 瞿 夷 ,二 名 鹿 野 ,即 為 三 妃 。"

Điều đặc biệt là trong khi dịch quyển An Sĩ Toàn Thư, Dịch giả Nguyễn Minh Tiến đã tìm được nguyên vẹn đoạn văn trích của An Sĩ Toàn Thư trong sách Thích-ca Như Lai Ứng Hóa Lục và điều này khẳng định đoạn văn trên trong sách An Sĩ Toàn Thư đã được trích lại từ đây:

"具足太子婚妠之 禮。又復更增二 妃。一 名瞿夷。二 名鹿野。"

Dịch giả Nguyễn Minh Tiến đã cẩn thận biên soạn một chú giải cho chi tiết này, cũng có thể xem như chỉ rõ ra được sự nhầm lẫn của người xưa, và là nguyên nhân dẫn đến điều mà Hòa thượng Thích Thanh Từ nói Thái tử Tất Đạt Đa có ba bà vợ trong quyển sách Bước Đầu Học Phật và cụ Đoàn Trung Còn viết trong bộ Tự Điển Phật Học trước đó.

Nguyên văn đoạn chú giải của dịch giả in trong bản dịch Việt sách An Sĩ Toàn Thư như sau:

(Bắt đầu trích)

"Chúng tôi tìm thấy nguyên vẹn đoạn văn trích này trong sách Thích-ca Như Lai ứng hóa lục (釋迦如來應化錄) do Bảo Thành biên soạn vào đời Minh, được xếp vào Vạn tục tạng, Tập 75, kinh số 1511. Đoạn trích này thuộc trang 63, tờ b, bắt đầu từ dòng thứ 23, mang tiêu đề của đoạn là Tất-đạt nạp phi (悉達納妃). Đoạn này mở đầu bằng câu “Nhân quả kinh vân” (因果經云). 

Điều này chứng tỏ An Sĩ toàn thư đã trích từ sách này dựa vào câu mở đầu để dẫn chú, chứ không phải trích từ kinh Nhân quả như ghi trên. 

Tuy nhiên, về người thái tử phi thứ hai tên Cù-di, trong sách Thích-ca phổ (chính là sách mà An Sĩ toàn thư trong đoạn trước gọi là Thích-ca Như Lai phổ), có đoạn này: “太子年十七。王為納妃簡選數千。最後一 女名曰裘夷端正第一 禮義備 舉。是則 宿命賣花女也。” - Thái tử niên thập thất, vương vi nạp phi, giản soát sổ niên. Tối hậu nhất nữ danh viết Cù-di, đoan chánh đệ nhất, lễ nghĩa bị cử. Thị tắc túc mạng mãi hoa nữ dã. “(Thái tử được mười bảy tuổi, vua muốn tuyển thái tử phi, tìm kiếm trong nhiều năm. Cuối cùng tìm được một cô gái tên Cù-di, xinh đẹp đoan trang không ai bằng, lại đủ cả lễ nghĩa đức hạnh. Đây chính là cô gái bán hoa [đã có duyên với thái tử] trong tiền kiếp.) (Đại Chánh tạng, Tập 50, kinh số 2040, trang 6, tờ c, bắt đầu từ dòng thứ 3) 

Theo mô tả như vậy kết hợp câu chuyện tiền thế bán hoa sen thì có thể chắc chắn sách này đang đề cập đến công nương Da-du-đà-la, nhưng không hiểu sao lại dùng tên Cù-di (cũng sách này, trong một đoạn khác ghi Cừu-di 裘夷 /瞿夷). 

Qua đây chúng tôi có mấy nghi vấn về việc thái tử có 3 người vợ. 

Thứ nhất, việc này không thấy đề cập ở kinh sách nào khác, chỉ thấy riêng sách Thích-ca Như Lai ứng hóa lục nêu ra, nhưng dẫn chú lại không chính xác. 

Thứ hai, đối chiếu với Thích-ca phổ thì thấy sách này có dấu hiệu nhầm lẫn nếu như Da-du-đà-la với Cù-di thật ra chỉ là một người. 

Thứ ba, tên cô Lộc-dã không thấy nhắc đến ở bất kỳ kinh sách nào khác, nên căn cứ vào hai nghi vấn trước thì việc sách Thích-ca Như Lai ứng hóa lục nêu ra tên này chưa đủ tin cậy."

(Hết trích)

Kết Luận:

Nói tóm lại nhờ vào kỹ thuật tìm kiếm dữ liệu điện tử tân tiến ngày nay chúng tôi đã truy tìm trong các kho tàng kinh các nhưng không hề tìm thấy dữ liệu nào nói về Thái tử Tất Đạt Đa có ba vợ. Như vậy có thể nói việc Thái tử Tất Đạt Đa có ba vợ là hoàn toàn không có cơ sở chứng minh. Việc Hòa thượng Thích Thanh Từ và cụ Đoàn Trung Còn nói Thái tử Tất Đạt Đa có ba vợ có thể bắt nguồn từ quyển sách Thích-ca Như Lai ứng hóa lục (釋迦如來應化錄), vốn chỉ được biên soạn rất muộn vào đời Minh (Trung Hoa) và không có sự dẫn chú đến bất cứ nguồn tư liệu nào trước đó, đồng thời cũng hàm chứa những dấu hiệu nhầm lẫn không đáng tin cậy như dịch giả Nguyễn Minh Tiến đã chỉ rõ khi so sánh với các tư liệu Hán văn khác.

Cũng trong chiều hướng tìm sử liệu việc Thái tử Tất Đạt Đa có ba vợ, Hòa thượng Giới Đức Minh Đức Triều Tâm Ảnh một  nhà học giả lẫn hành giả thông thạo cổ ngữ Nam Bắc Phạn và Hán ngữ cho biết là Hòa thượng cũng tra cứu nhưng đã không tìm thấy nguồn gốc trong kinh tạng Pali, tuy nhiên Hòa thượng nói rằng: “chẳng có tư liệu nào là chính xác hoàn toàn, do các vị kết tập sư viết sau cả 500 năm, và cũng khó tránh khỏi sự hư cấu, thêm bớt của hàng sa-môn hậu học. Ta học Phật, tu Phật là học và tu theo giáo pháp. “Khi Như Lai diệt độ rồi thì Pháp và Luật là thầy của các ông”. Và, “Ai thấy Pháp là thấy Như Lai!”  Vậy, Pháp mới là quan trọng!” [5].

Chúng tôi hy vọng bài viết này có thể giải tỏa hoàn toàn mối nghi ngờ đã nêu trên, để sự việc sẽ không tiếp tục tạo thành một chướng ngại không đáng có trên bước đường học Phật của những thế hệ tương lai.

Tâm Diệu

(Helsinki, Finland 26/5/205)

 

Chú Thích:

[1] Bước Đầu Học Phật, HT. Thích Thanh Từ, Hội Thiền Học Việt Nam xuất bản (Chương Hoa Sen Trong Bùn)

[2] Phật Học Từ Điển (Q.II), Đoàn Trung Còn, Nhà xuất bản TP. Hồ Chí Minh (trang 211)

[3] A Mysterious Being: The Wife of Buddha by Professsor Andre Bareau, Université de France, (translated by Kyra Pahlen), the apparent source being a series of three articles published as Recherches sur la biographie du Buddha, Presses de l'École française d'extrême-orient, 1963, 1970 & 1971. http://www.buddha-kyra.com/wife.htm

[4] An Sĩ Toàn Thư (安士全書), phần 3: Dục hải hồi cuồng (欲海回狂), mục Như Lai giáng đản (如来降诞), tiểu mục Bất nhiễm thế duyên (不染世缘). Toàn thư này dày hơn 1.000 trang chữ Hán khổ lớn, hiện vẫn đang được chuyển dịch chưa hoàn tất.

[5] http://dieungu.org/a21106/thai-tu-si-dat-ta-co-ba-vo

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
22 Tháng Bảy 2022(Xem: 2229)
20 Tháng Năm 2022(Xem: 8279)
Phật Giáo Hướng Dẫn Thế Kỷ 21 là một tài liệu gồm 12 tham luận được trình bày tại Hội Nghị Nghiên Cứu Học Thuật Phật Giáo Quốc Tế lần thứ Tám vào các ngày 27 và 28 tháng 10 năm 1995 tại Đài Loan bởi các diễn giả thuộc nhiều thành phần của nhiều quốc gia khác nhau. Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho những ai đã và đang thao thức cho một nền Phật Giáo Việt Nam huy hoàng rực rỡ, chúng tôi cố gắng chuyển dịch tập sách này với mỗi một ước vọng duy nhất: Đóng góp phần nhỏ vào công cuộc phục hưng Đạo Pháp, lợi lạc quần sanh.
04 Tháng Hai 2022(Xem: 3058)