Mê Vui Trong Khổ Não

21 Tháng Năm 201400:00(Xem: 9997)

MÊ VUI TRONG KHỔ NÃO
Nguyên Thiện

me-vui-kho-naoKinh Pháp Cú số 69 nêu một thực trạng đáng thương đáng trách của người si mê thiếu trí. Đó là việc đi tìm vị ngọt trong các hành động ác, chìm đắm mê say trong ác dục, không thấy hậu quả nguy hại của ác nghiệp, kết quả là người đó phải chịu khổ đau do các ác nghiệp mà mình đã làm, đã tích tập. Nguyên văn lời Phật như sau:

Người ngu thấy là ngọt,
Khi ác chưa chín muồi;
Ác nghiệp chín muồi rồi
Người ngu chịu khổ đau”.

Cụ thể hơn trong khi giảng về một lối sống gọi là Pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ”, Đức Phật nói rõ cho chúng ta biết có những người sống tìm vui trong sát sanh, trong lấy của không cho, trong tà hạnh, trong nói láo, trong nói hai lưỡi, trong nói lời độc ác, trong nói lời phù phiếm, trong tham ái, trong sân hận, trong tà kiến. Họ vui thú khi làm các ác nghiệp như vậy và sống với cảm giác vui thú ấy, quên mất rằng cảm giác vui thú nhất thời ấy là nguyên nhân của mọi bất hạnh khổ đau đang rình rập. Kết quả là chính các ác nghiệp ấy đưa đẩy họ rơi vào cõi dữ, ác thú, đạo xứ, địa ngục:

“Này các Tỳ kheo, có người với lạc, với hỷ, sát sanh và do duyên sát sanh, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc, với hỷ lấy của không cho và do duyên lấy của không cho, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc với hỷ sống theo tà hạnh trong các dục, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc với hỷ, nói lời vọng ngữ; cảm thọ lạc và hỷ; với lạc với hỷ, nói lời hai lưỡi và do duyên nói lời hai lưỡi, cảm thọ lạc và hỷ, với lạc với hỷ, nói lời ác ngữ, và do duyên nói lời ác ngữ, cãm thọ lạc và hỷ, và do duyên nói lời phù phiếm, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc với hỷ có tâm tham ái, và do duyên có tâm tham ái, cảm thọ lạc và hỷ. Với lạc với hỷ, có tâm sân hận và do duyên có tâm sân hận, cảm thọ lạc và hỷ; với lạc với hỷ, có tà kiến, cảm thọ lạc và hỷ. Vị này sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú đọa xứ địa ngục. Như vậy này các tỳ kheo, gọi là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ” 1.

Giảng giải về lý do lối sống chạy theo ác dục hay say vui trong ác hạnh ấy, Đức Phật nói rằng, “do vô trí, do si mê nên không biết như chân: “đây là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ”. Do vô trí với pháp này, do si mê co không tuệ trí như chân, nên phục vụ pháp này, không tránh né pháp này. Vì phục vụ pháp này, vì không tránh né pháp này, nên đối với vị này, các pháp bất khả ái, bất khả lạc, bất khả ý tăng trường: các pháp khả ái, khả lạc khả ý bị tiêu diệt. Vì sao vậy? Như vậy, này các Tỳ kheo, là vì vị ấy không có trí đối với pháp này. Này các tỳ kheo, ví như bình đồng đựng nước uống, có sắc, có hương, có vị mà nước uống ấy có tẩm thuốc độc. Rồi một người đến muốn sống, muốn không chết, muốn ưu lạc, hiềm ghét khổ, và có người nói với người ấy như sau: “Này bạn, bình đồng đựng nước uống này, có sắc, có hương, có vị, và nước uống ấy có tẩm thuốc độc. Nếu bạn muốn, hãy uống. Trong khi uống bạn sẽ được thích thú về sắc, về hương, về vị.. sau khi uống, bạn có thể đi đến chết hay hay đau khổ gần như chết”: Người kia có thể uống, không suy nghĩ, không từ bỏ. Trong khi uống, người ấy được thích thú về sắc, về hương, về vị. sau khi uống, người ấy có thể đi đến cái chết hay đau khổ gần như chết. Này các tỳ kheo, ta nói pháp hành động giống như ví dụ ấy, tức là pháp hành hiện tại lạc, tương lai quả báo khổ”2

Lời Phật dạy nói cho chúng ta biết rằng, sự thiếu hiểu biết về thiện hay bất thiện, hay sự mê mờ về nhân quả thiện ác là nguyên nhân của lối sống ác hạnh, khổ đau. Mặc khác lời Phật cũng gián tiếp lưu nhắc chúng ta cái xấu đôi khi cũng có sức hấp dẫn đối với con người, nghĩa là làm ác hay sống theo ác dục cũng có vị ngọt (hay nghĩ tưởng nhầm lẫn là ngọt?) nên mới có người chạy theo cảm giác vui thú nhất thời ấy mà bất chấp việc ác. Chỉ đến khi ác nghiệp chín muồi rồi thì (người vô trí, kẻ ác) mới thấy ác, nhưng mọi chuyện bây giờ đã quá muộn 3.Thái độ mê nhầm này là hết sức đáng tiếc và có gốc rễ của nó. Đó là tà kiến hay quan điểm sai lầm cho rằng không có kết quả của các nghiệp thiện ác, chẳng hạn, cũng theo lời Phật. “…Có một số Sa môn, Bà la môn thuyết giảng như sau, có sở kiến như sau: ‘không có lỗi trong các dục’. Những vị này đắm mình trong các dục, hoan lạc với các cô gái lang thang có tóc quấn trên đầu. Họ nói như sau: ‘Làm sao các tôn giả Sa môn, Bà la môn kia thấy sự sợ hãi tương lai của các dục, nói đến sự đoạn trừ các dục, nêu lên sự hiểu biết về các dục. Khoái lạc thay, sự xúc chạm với bàn tay có lông mịn, của các cô gái lang thang trẻ trung này!”. Sau khi đắm mình trong các dục, khi thân hoại mạng chung, các vị ấy phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ở đây, họ cảm thọ những cảm giác đau khổ, khốc liệt, họ nói như sau: “ các tôn giả Sa môn, Bà la môn này thấy sự sợ hãi tương lai của các dục, nói đến sự đoạn trừ các dục, nêu lên sự hiểu biết về các dục. Nhưng chúng ta, do các dục này làm nhân, do các dục này làm duyên, phải cảm thọ những cảm giác đau khổ, thống khổ khốc liệt”4.

Quả là hết sức nguy hại cho đời sống khi rơi vào ý tưởng điên đảo cho rằng các dục không có lỗi hay nhầm tưởng vị của các dục là ngọt, vì sự mê lầm ấy sẽ mở cửa và khuyên khích lối sống buông thả theo bản năng dục vọng. Đức Phật gọi một ý tưởng hay cảm giác như vậy, là điên đảo, si mê, vô tri, vì nó khiến cho con người hoàn toàn mê mờ, điên đảo, say vui trong tai họa khổ đau, không biết rõ ác dục, vui ít, khổ nhiều, não nhiều, sự nguy hiểm càng nhiều hơn, nhầm lẫn cảm giác vui thú nhất thời với tai họa khổ đau lâu dài. Nói khác đi, do mê mờ về nhân quả không thấy rõ quy luật nhân quả báo ứng hay không tin diễn tiến nhân quả của các nghiệp thiện ác nên con người tự nuôi lấy tà kiến, có thái độ xem thường luật nhân quả, bất chấp đạo lý, dễ dàng làm mọi việc xấu ác để thỏa mãn dục vọng. Kết quả là theo lời đức Phật dạy “các pháp bất khả ái, bất khả lạc, bất khả ý (tức khổ não) tăng trưởng; các pháp khả ái, khả lạc, khả ý (nghĩa là an lạc), bị tiêu diệt trong người ấy, và vị ấy phải chịu khổ đau bất hạnh lâu dài”.

Để ngăn tránh lối sống tai họa khổ đau như vậy, Phật khuyên dạy mọi người phải biết tu tập, tự kềm chế bản thân, không sống đời phóng dật, không mê say dục lạc, đồng thời nên thân cận gần gũi các bậc Thánh hay các bậc thiện trí thức để học hỏi Chánh pháp và để phát khởi niềm tin về thiện pháp. Nhờ học hỏi chánh pháp nên thoát khỏi tà kiến mê lầm, đặc biệt nhờ hiểu rõ đạo lý nhân quả và được cũng cố bởi niềm tin về nhân quả thiện ác mà con người biết rõ đâu là thiện nên theo và đâu là ác nên từ bỏ. Đó chính là thái độ sáng suốt mở đường cho nếp sống hiền thiện an lạc của người hiền trí vậy.

Chú thích:

  1. Đại kinh Pháp hành, Trung Bộ.
  2. Đại kinh Pháp hành, Trung Bộ
  3. Kinh Pháp cú, Kệ số 119.
  4. Tiểu kinh Pháp hành, Trung Bộ.
  5. Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 113
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn