Dấu Ấn Vesak 2014

14 Tháng Năm 201400:00(Xem: 6367)

vesak_2014_banner_final

DẤU ẤN VESAK 2014
Giác Hạnh Hoa

Vesak 2014 đã được khép lại với sự đồng thuận: Tuyên bố Ninh Bình 2014 với 7 điều và 31 điểm tóm tắt lại chủ đề đại lễ Vesak LHQ 2014 với “Quan điểm Phật giáo nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”.

"Hạnh phúc thay, đức Phật giáng sinh! 
Hạnh phúc thay, giáo pháp cao minh! 
Hạnh phúc thay, chúng Tăng hòa hợp! 
Hạnh phúc thay, tứ chúng đồng tu!"

Mây trắng nhẹ nhàng bồng bềnh trôi, hòa quyện với non nước Ninh Bình trong một thời tiết cuối xuân vào hạ, mát mẻ, cùng với 95 mầu cờ của 95 quốc gia tung bay trong gió. Càng làm cho Ninh Bình đẹp lộng lẫy. Không biết đã bao lâu rồi cố Đô lại đẹp đến thế, cũng có thể là từ ngày rời đô về Thăng Long chăng! .

Mùa Vesak 2014 GHPGVN đã chính thức chọn Bái Đính làm nơi tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2014. Hôm nay với sự hiện diện của gần 1.200 đại biểu quốc tế trong đó Ngài Quốc Vương Tooro, Hòa thượng Tep Vong, vua sư Phật giáo Campuchia, HT. GS.TS Dhammaratana và các nguyên thủ, đại diện Hoàng gia một số quốc gia và hàng chục nghìn chức sắc Phật giáo, tăng ni, Phật tử trong nước tham dự sự kiện này. Bái Đính lại càng trở lên linh thiêng và tự hào, vinh dự hơn bao giờ hết. Thêm một lần nữa, sự kiện quốc tế quan trọng này có cơ hội truyền bá thông điệp và các giá trị về từ bi, hòa bình, bất bạo động, độ lượng của đức Phật đến với thế giới.

Bái Đính rộng lớn là thế, nhưng dường như những ngày này Bái Đính lại trở lên chật chội hơn bao giờ hết, từ chánh điện Thích Ca đến sân điện Quan thế Âm, sân điện Tam thế … người đi phải sếp hàng.

 Người ta có thể tò mò xem hội trường chính được thiết kế và xây dựng như thế nào mà chỉ trong vòng có 90 ngày( lúc đầu Xuân Trường định nhập một nhà lắp ghép có sức chứa được 10 ngàn người, nhưng do thủ tục nhập khẩu khó khăn) nhà doanh nghiệp Xuân Trường mới quyết định cho xây dựng hội trường có sức chứa được 3,500 người. Thật khó có thể tin là chỉ với 90 ngày tập đoàn ta có thể xây dựng được một hội trường có thể nói là hiện đại, phối kết hợp kiến trúc, trang trí mầu sắc rất hài hòa và rất đẹp.

Hoành tráng phiên khai mạc tại hội trường chính

Sân khấu phiên khai mạc đẹp lộng lẫy với ý tưởng chủ đề tượng Phật, sen với lá bồ đề vừa là logo vừa là một bông hoa năm cánh rất độc đáo làm tâm sen, được ánh sáng nghệ thuật sân khấu chiếu soi tới hàng ngàn bông hoa tươi được bố trí trên đầu cánh sen. Có thể nói cách trang trí trên sân khấu lễ Vesak 2014 đã để lại một ấn tượng rất sâu đậm trong lòng các đại biểu.

Phiên khai mạc với 3,500 chỗ ngồi đã không còn một chỗ trống với hơn một ngàn khách nước ngoài bao gồm các chư Tăng, các vị học giả, các nhà nghiên cứu khoa học và các quan chức ngoại giao, quan chức chính phủ, quan chức địa phương cùng các chư Tôn đức Tăng Ni Việt Nam và các đại biểu tiêu biểu cho Phật tử Việt Nam đã có mặt trong hội trường chính trong phiên khai mạc. Tiết mục văn nghệ chào mừng phiên khai mạc cũng đã để lại một ấn tượng khó quyên.

Trong không khí trang nghiêm hướng kính tưởng nhớ về đức Phật, lễ mở đầu đã được diễn ra trong một không khí tất cả đều hướng về đức Phật với một tấm lòng thành kính và biết ơn Người.

Những bài phát biểu, của các vị lãnh đạo cao nhất của Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ủy ban Tổ chức Quốc tế (ICDV),  và các quan chức cao nhất trong chính phủ đã làm nên một lễ khai mạc đặc sắc, hoành tráng để lại một dấu ấn khó quên trong mắt các vị khách quốc tế và trong lòng người Việt.

Nghi lễ tắm Phật theo truyền thống

Ngay sau Lễ khai mạc Đại lễ Vesak LHQ 2014, tại Điện Thích Ca, chùa Bái Đính đã diễn ra Lễ tắm Phật theo nghi lễ truyền thống Việt Nam với sự tham gia của hơn 3.000 đại biểu trong, ngoài nước và hàng vạn tăng, ni, Phật tử.

Đây là lần đầu tiên, nghi lễ Phật giáo truyền thống được đưa vào chương trình hoạt động chính thức của Đại lễ Vesak LHQ. Nghi lễ tắm Phật truyền thống Việt Nam có ý nghĩa rất sâu sắc: mượn việc tắm Phật để gột rửa nội tâm để tìm lại tự tánh sáng ngời của tâm mình. Mỗi con người chúng ta đều có chơn tâm hay Phật tánh, nhưng bị ba độc tham, sân, si che lấp. Khi đứng trước Đức Phật giống như đối diện với nội tâm, ta có dịp quán sát nội tâm của mình. Múc một muỗng nước thanh tịnh từ trên vai Phật tưới xuống, nếu tâm ta có tham niệm thì nguyện cho tham niệm nầy theo dòng nước thanh tịnh mà trôi đi; nếu lòng có sân hận thì nguyện cho dòng nước nầy cuốn sạch; nếu tâm mình có si mê, ngu muội thì nguyện cho dòng nước thanh tịnh làm cho tâm trí được khai mở, sáng suốt. Muỗng nước tưới lên vai trái đại diện cho nghịch cảnh, tưới lên vai phải là dòng nước thuận. Thuận và nghịch bao giờ cũng đồng hành trong mỗi người trong suốt một kiếp người. Vì vậy, chúng ta phải có trí tuệ để tìm ra phương pháp phù hợp mà đức Phật đã chỉ đường cho ta đi để vượt qua được nghịch cảnh và thuận cũng không tự mãn trong mỗi đời người.

Để đảm bảo cho nghi lễ tắm Phật được diễn ra trang nghiêm, thanh tịnh với sự tham gia của hàng vạn tăng, ni, Phật tử trong, ngoài nước, Ban tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2014 đã chuẩn bị sẵn 10 tượng Phật Thích Ca sơ sinh bằng ngọc, tôn trí trang nghiêm tại sân Điện Thích Ca. Lễ tắm Phật đã để lại một dấu ấn khó quên đối với các vị khách Quốc tế và các Phật tử miền Bắc.

 

Lễ cầu nguyện hòa bình

Với tư tưởng “Tâm bình Quốc gia, Thế giới Hòa bình”. Đàn lễ “ Cầu hòa bình thế giới- Quốc thái Dân an” được thiết trí trên cở sở khảo cứu đàn Nam giao, truyền thống văn hóa, nghi lễ Phật giáo Việt Nam và những thông điệp từ trống đồng Đông sơn cùng nét văn hóa truyền thống của Phật giáo Việt Nam, đàn lễ được lập dựng với 03 tầng theo những thông điệp và ý nghĩa sau: tầng thứ nhất hình vuông tượng trưng cho Đất (với ý nghĩa là: sinh sôi nẩy nở đem lại sự sống cho con người); Tầng thứ hai hình tròn tượng trưng cho trời (đem lại cho con người sự thanh tịnh, trí tuệ, phúc đức viên mãn); Tầng thứ ba hình tròn tượng trưng cho thế giới của chư Phật và Bồ Tát (phổ chiếu tinh thần từ bi – hỷ xả, vô ngã - vị tha đến với cộng đồng nhân loại trên toàn thế giới và lợi lạc hữu tình).

Đàn lễ đã được trang trí có thể nói rằng cho đến giờ phút này chưa có đàn lễ nào trang trí đẹp, lộng lẫy, đẩy ý nghĩa, mầu sắc và nhiều hoa tươi đến thế.

Buổi lễ thật xúc động khi ca sĩ Andrew William đến từ Úc Châu đã hát ca khúc “Cầu nguyện cho thế giới hòa bình “ Iwish you stnength, to overcome the svekness I wish you stnength, to … khi bài ca được cất lên từng lời, từng lời với giai điệu sâu lắng, với tâm nguyện tha thiết là bức thông điệp mà đức Phật mang đến cho cuộc đời. Cả người ca lẫn người nghe có lẽ đều đang cùng một tâm nguyện giống nhau, đếu mong muốn trái đất này đừng bao giờ có chiến tranh, rằng: “Chúng tôi muốn sống trong hòa bình”.

Và đây là tiếng cầu kinh theo nghi thức của Phật giáo Nam Tông và bài tụng kinh theo nghi thức của Phật giáo do các chư Tăng miền Nam tụng.

Đại lễ được kết thúc với việc Ban tổ chức cung thỉnh chư tôn đức tăng ni các nước, lãnh đạo đảng, nhà nước ký vào bức tranh “Hòa bình” do 10 họa sĩ tại TP.HCM thực hiện. Đây là bức tranh được BTC tặng lại cho nhà nước Việt Nam, trở thành bức thông điệp tâm linh về ước mơ hòa bình vĩnh cửu trong lòng những người con dân nước Việt trong tiếng nhạc, tiếng vỗ tay hòa nhịp theo và bài ca của dàn hợp xướng không lồ gần 10 ngàn người với bài ca” Nối vòng tay lớn”. Buổi lễ diễn ra đúng vào lúc biển Đông đang nóng bỏng, được cả thế giới đang quan tâm, đã làm cho trái tim người Việt và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới phải lặng người đi, một cảm xúc dâng trào, một thế giới không có chiến tranh, không có hận thù xung đột, một thế giới tôn trọng chủ quyền của nhau, yêu thương nhau, lắng nghe và thấu hiểu.

Đại lễ được ghi nhận kỷ lục :Đại lễ cầu hòa bình cho thế giới - Quốc thái dân an lớn nhất

Hội thảo khoa học

Hội thảo khoa học đã thu hút đông đảo các nhà nghiên cứu, tri thức, các học giả, đại biểu trong và ngoài nước tham dự. Đã có hơn 300 bài tham luận khoa học được các học giả trên thế giới nghiên cứu và được in thành 2 cuốn sách song ngữ (Anh – Việt). Nội dung Hội thảo khoa học lần này xoay quanh 5 chủ đề và BTC đã chia thành 5 diễn đàn trình bày tham luận theo các nhóm chủ đề : “Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội”; “Hồi ứng của Phật giáo đối với việc hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường”; “Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu mâu thuẫn”; “Đóng góp của Phật giáo trong lối sống lành mạnh”; “Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học”.

Cả 5 diễn đàn hội thảo đã không còn một chỗ trống, các thính giả nước chủ nhà đành phải nhường ghế ngồi cho các vị khách quốc tế. Diễn đàn được mọi người quan tâm và nóng bỏng nhất là diễn đàn “Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu mâu thuẫn” sau khi có sự kiện về biển Đông.

Với đội ngũ thông dịch cực tốt đã mang đến cho người nghe rất đầy đủ, chỉ tiếc rằng không ai có thể phân thân một lúc đến cả 5 diễn đàn. Có khi chỉ cần nghe mười phút của những vị học giả GS.TS thôi bằng đi học cả đời. Ai cũng quá tiếc, càng về cuối những tranh luận, phản biện, những câu hỏi được đặt ra cho các vị diễn giả cứ nhiều lên và ngày càng thú vị, nhưng thời gian thì đã hết. Đúng là hội thảo diễn ra trong một ngày thì hơi bị quá ít cho những cuộc hội thảo quan trọng và tầm cỡ như thế này.

Đêm văn nghệ và trao giải liên hoan phim Vesak Quốc tế

Tại sân điện Quan Thế Âm lễ trao giải Liên hoan phim và đêm văn ghệ thứ hai được diễn ra, nền sân khấu được trang trí rất đơn giản, nhưng lại rất hiện đại mà vẫn thể hiện đúng tinh thần" mái chùa che trở hồn dân tộc".Trong đó, tư tưởng vô ngã vị tha của Phật giáo được xem là nền tảng căn bản cho đường lối xây dựng và bảo vệ đất nước. Xuyên suốt các triều đại, tư tưởng đó được cụ thể hóa bằng hình ảnh ngôi chùa mái cong ngói đỏ thiêng liêng như chính lòng người con Phật vốn giản dị mà thanh cao.

Liên hoan phim Vesak đã được ghi nhận kỷ lục: Liên hoan phim Phật giáo đầu tiên có quy mô lớn nhất Việt Nam. Phần trao giải liên hoan phim vesak 2014 tại Việt Nam lần này thực hiện được thông điệp từ bi, hòa ái, bình đẳng của đức Phật qua nghệ thuật điện ảnh. Với sự tham dự trên 47 quốc gia và vùng lãnh thổ, đa phần là những bộ phim được dàn dựng quy mô về cuộc đời đức Phật, những thông điệp bất hủ mà Ngài đã để lại cho cuộc đời.

Sau lễ trao giải Liên hoan phim là đêm văn nghệ hoành tráng với lung linh sắc mầu. Với những tiết mục đặc sắc của ba miền ngoài mục đích tỏ lòng tưởng nhớ và thành kính cúng dường đức Phật Thích Ca nhân ngày đản sinh, chương trình biểu diễn nghệ thuật còn nhằm mục đích tạo ra không khí lễ hội văn hoá cho đại lễ Phật đản LHQ 2014 tại Việt Nam, đồng thời đây là cơ hội giao lưu văn hóa với các 95 quốc gia tham dự, đặc biệt với Ấn Độ, Tích Lan, Thái Lan và Trung Quốc.

Chương trình bao gồm ba chương: Chương 1- Tâm sen trong lòng Phật; Chương 2- Ánh Đạo Vàng; Chương 3- Phật giáo sáng ngời hào quang. Được biểu diễn 3 các thể loại gồm quan họ Bắc Ninh, dân ca Thanh Hóa, chèo, hát văn của Ninh Bình, cải lương của Miền Nam, tân nhạc và dân ca của khắp nơi, nhằm giới thiệu tính đa sắc màu của văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Chương trình được dàn dựng một cách chuyên nghiệp, hài hòa giữa tính truyền thống và hiện đại, áp dụng hợp lý các loại hình nghệ thuật để nêu bật chủ đề của đại lễ Vesak một cách sinh động và ấn tượng với các sắc màu lung linh. Với sự diễn xuất của các diễn viên múa chuyên nghiệp đến từ TP.HCM, Nhà hát Chèo Ninh Bình; sinh viên, học sinh của các trường Đại học, Cao đẳng và Trung học tại Ninh Bình.

Hội diễn văn nghệ đã được ghi nhận kỷ lục là : Hội diễn văn nghệ có qui mô lớn nhất

Triển lãm mỹ thuật Phật giáo

Từ thế kỷ XI, nghệ thuật Phật giáo có điều kiện phát triển mạnh đặc biệt điêu khắc, kiến trúc, mỹ thuật Phật Giáo càng được thăng hoa cùng với sự phát triển rực rỡ của Phật giáo đời Lý Trần.

Nhưng về hội hoạ Phật Giáo ít người chú ý đến, sự tìm hiểu còn quá sơ sài bởi các tác phẩm hội hoạ Phật Giáo bị mai một và thất lạc. Chủ yếu là những bức phù điêu, chạm khắc, tranh t­ường... ở các ngôi chùa được thể hiện bằng chạm khắc để tạo thành các hình, được trang trí trong các ngôi chùa, đình, nơi thờ tự… từ xa xưa. Còn về hội họa được thể hiện trên các chất liệu sơn dầu, sơn mài, giấy lụa và tranh lụa thì chất liệu dễ hư­ nát, có lẽ vì lý do đó, mà sự có mặt của các bức họa này rất hiếm hoi, đó cũng là một thiệt thòi trong kho tàng hội họa nước nhà.

Hòa chung với sự phát triển của Phật giáo Việt Nam. Các Họa sĩ tại Tp. HCM , đã có rất nhiều cuộc triển lãm với chủ đề con người, quê hương, đất nước, thiên nhiên được hòa quyện lồng ghép với tinh thần Từ bi và Trí tuệ của đức Phật, đã đánh dấu sự mở đầu của Hội họa Phật Giáo Việt Nam ngày nay càng đ­ược phát triển cả về số l­ượng và nội dung.

Điều đó được thể hiện cụ thể qua triển lãm chào mừng Đại lễ Vesak LHQ 2014 với 140 bức tranh của 10 họa sĩ trong nước và Hiệp hội họa sĩ Ấn Độ đã làm cho những ai đang có mặt tại phòng tranh được đắm chìm trong một bữa tiệc thịnh soạn, tưng bừng chưa từng có từ trước tới nay về hội họa mỹ thuật Phật giáo. Đây có lẽ cũng là một kỷ lục được xác lập về số tranh triển lãm với chủ đề mỹ thuật Phật giáo đương đại. Bức tranh Lửa Từ Bi do 10 họa sĩ thể hiện đã xác lập Kỷ lục: Bức tranh về chủ đề Phật giáo lớn nhất Việt Nam. 

Chỉ tiếc rằng ánh sáng ở đây đã không phù hợp cho một phòng triển lãn tranh.

Triển lãm tranh non nước trên toàn quốc và Ninh Bình là những hiện vật và hình ảnh rất là ấn tượng, giúp cho đại biểu Quốc tế cảm nhận được một phần nào nền văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Với 100 bức ảnh nghệ thuật Paradoma có kích thước 1.2m, chiều đứng là 2.5m, chiều dài gồm 5 trụ, được trưng bày ở điện Thích ca. Đó là những hình ảnh rất ấn tượng góp phần giới thiệu về văn hóa, đất nước con người Việt Nam.

Thắp nến Hòa bình

 

Trong đêm thiêng huyền diệu, ngàn vì sao lấp lánh trên bầu trời Nam Việt, mảnh đất Cố đô Hoa lư hiền hòa, nơi phát xuất của 3 vị Hoàng đế mở đầu các vương triều oai hùng như Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, Lý Công Uẩn sáng ngời trong sử sách hơn 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Nâng ngọn nến tình thương và hiểu biết trên tay, chúng con rất đỗi tự hào và hạnh phúc khi được sinh ra làm người với sáu căn đầy đủ, được sống trên quê hương Việt nam thân yêu, mảnh đất hội tụ và tỏa sáng tinh thần từ bi, yêu chuộng hòa bình, bất bạo động được hấp thu từ hai nền văn minh lớn của nhân loại.

Chương trình Thắp nến tri ân, cầu nguyện thế giới Hòa bình, nhân sinh an lạc, đồng thời kính mừng sự thành công rực rỡ trong mùa Đại lễ Phật đản LHQ lần thứ II tại Việt Nam. Thông qua ánh sáng của những ngọn nến, đêm thắp nến mong muốn gửi đi thông điệp đoàn kết của Phật giáo trên toàn thế giới, nguyện hết lòng dấn thân cho sự nghiệp trí tuệ, từ bi xây dựng Tịnh độ nhân gian, góp phần xoa dịu đau thương, ổn định xã hội, chấm dứt chiến tranh, thiết lập nền hòa bình bất bạo động ngay tự thân cá nhân mỗi con người. Gần 5 ngàn trái tim có mặt trong đêm hoa đăng đang nhất tâm hướng nguyện, hàng triệu trái tim khắp nước Việt, trên quả địa cầu đang một lòng hướng thiện, đồng cầu nguyện cho thế giới bình yên, nhân dân ấm no, hạnh phúc, xin bình an về muôn nơi, xứ xứ không còn đao binh, thiên tai chết chóc. Nâng ngọn nến trên tay, nguyện cầu cho Phật pháp trường tồn, nước nhà hưng thịnh, đồng gửi năng lượng bình an cho những nạn nhân trong chuyến bay Boeing 777 mang số hiệu MH370, và 476 nạn nhân của vụ chìm phà SEWOL tại Hàn quốc người sống được an lành, người mất được siêu thăng về cảnh giới không còn khổ đau.

Đêm thắp nến đã để lại một dấu ấn khó quên cho những ai đang có mặt tại nơi đây và cho Phật tử miền Bắc lần đầu tiên được biết đến lễ thắp nến.

Đêm thắp nến đã được ghi nhận là kỷ lục: Lô đèn hoa đăng dâng cúng chư Phật nhiều nhất Việt Nam .

Phục vụ Ẩm thực

Có lẽ hoàn hảo nhất lại là phần phục vụ ăn uống tại khách sạn VIP nằm trong khu vực của chùa vừa đẹp và sang trọng tầm cỡ như 5 sao. Với 600 đầu bếp và gần 500 tình nguyện viên phục vụ cho các vị khách. Suốt trong 4 ngày chính thức diễn ra tại nhà ăn này không thiếu một món ăn nào của ba miền đất nước, không thiếu một loại nước uống nào ngon nhất. Đây có thể gọi là “lễ hội ăn, uống”. Có lẽ những ai chưa ăn chay bao giờ, người khó tính nhất về ăn uống cũng phải hài lòng. Người nào chưa một lần ăn chay thì trong suốt 4 ngày qua đã ăn chay ngon lành và “ ăn chay ngon thế này tội gì không ăn’’. Đội ngũ tình nguyện viên phục vụ đón tiếp trong phòng ăn, tại các diễn đàn, tại hội trường chính hết sức lịch sự và chu đáo.

Và đây cũng là bộ phận cực nhọc nhất trong các mảng phục vụ. Đáp trả lại họ là những lời khen tặng, những nụ cười vui vẻ sau khi đã ăn uống thỏa thích với rất nhiều những món ăn ngon lạ và đặc biệt là rất đảm bảo vệ sinh.

Đội ngũ tình nguyện viên

Có lẽ chưa có một lễ hội nào mà đội ngũ tình nguyện viên lên đến gần 6 ngàn người, một lực lượng rất trẻ, có trình độ, ăn mặc đẹp từ mảng đón tiếp đưa rước, đón tiếp hướng dẫn từ sân bay đến tất cả các mảng hoạt động còn lại tại Bái Đính đã để lại một ấn tượng rất tốt đẹp trong lòng các vị khách và các đại biểu.

Nhưng các em cũng lại là người chịu nhiều cực nhọc nhất và đúng là có sức trẻ mới làm được, chỉ mỗi việc đi lại không thôi cũng đã mỏi nhừ chân chưa cần nói phải làm bất cứ việc gì khác, đã thế nơi nghỉ tạm trong suốt tuần qua của các em cũng rất là khiêm tốn. Đội tình nguyện xa nhất là đội đến từ Nghệ An. Tất cả các tình nguyện viên đến trước và cũng là người ra về sau. Tại sân bay Nội bài 23 h đêm 11/5 vẫn còn tràn ngập mầu áo của đội tình nguyện, mặc dù họ rất mệt mỏi nhưng các em vẫn cười rất tươi bên những vị đại biểu, những Tăng Ni Phật tử để làm tròn trách nhiệm được giao. Chắc chắn rằng những nỗ lực hết mình của những đội ngũ tình nguyện viên đã để lại trong lòng các vị đại biểu một ấn tượng rất tốt đẹp, một nụ cười thân thiện mong muốn một cuộc sống yên bình rất Việt Nam.

Phương tiện truyền thông

BTC đã xây dựng Trung tâm báo chí tại khu vực chùa Bái Đính để tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp, thực hiện các hoạt động truyền thông. Ngoài ra, trung tâm luôn sẵn sàng cung cấp các tư liệu văn bản, hình ảnh, video cho các đơn vị truyền thông có yêu cầu, kết nối các kế hoạch phỏng vấn, thực hiện các nhiệm vụ giới thiệu về Đại lễ một cách chu đáo và tích cực. Sáng ngày khai mạc Đại lễ, tại trung tâm Báo chí đã đón đoàn gần 200 phóng viên, nhà báo tác nghiệp .

Có thể nói rằng phương tiện truyền thông tại đại lễ Vesak 2014 tuy không bằng 2008 nhưng so với Thái Lan 2013 thì vẫn vượi trội hơn rất nhiều.

Vesak 2014 được tổ chức tại Việt Nam lần thứ hai là sự kiện mang tầm vóc quốc tế thu hút giới truyền thông trong nước và quốc tế về đưa tin sự kiện, góp phần không nhỏ trong việc truyền tải các thông điệp từ bi, cứu khổ, hòa bình, và trí tuệ của đức Phật, nhằm góp phần giải quyết các vấn nạn của con người.

Chủ đề chính của Đại lễ Vesak LHQ 2014 là “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc” đã được các cơ quan báo chí khai thác mọi khía cạnh, mọi góc nhìn.

Vesak LHQ 2014 đã khép lại

Phó Chủ tịch thường trực ICDV, Hiệu trưởng trường Đại học Mahachulalongkorn, HT. GS.TS Brahmapundit đã phát biểu khép lại đại lễ Vesak 2014:

Tôi vô cùng hoan hỷ thông báo với quý vị rằng; quý vị đã tổ chức thành công đại lễ Vesak tại đất nước có bề dày lịch sử và tươi đẹp này. Tôi được sự ủy nhiệm của Ngài chủ tịch Uỷ Ban Quốc tế Vesak, Ngài đã nhờ tôi gửi lời cám ơn sâu sắc đến lãnh đạo nhà nước Việt Nam đã hỗ trợ đăng cai đại lễ này thành công tốt đẹp. Nhờ Ngài phó Thủ tướng chuyển lời chúng tôi cám ơn đến Ngài thủ tướng Chính phủ và các dồng nghiệp của Ngài vì đã hết sức cảm thông để ủng hộ chúng tôi tổ chức đại lễ vô cùng hoành tráng này.

 Ba ngày qua chúng ta có cơ hội làm việc cùng nhau trên phương diện rộng của toàn thế giới, để đảm bảo Phật giáo và Phật tử cùng có ý thức giảm bạo lực, giám phân biệt đối xử, nêu cao nhân bản và nhân phẩm con người, vì chúng ta có quyền bảo vệ hòa bình trên hành tinh này. Hôm nay Ngài đến đây, minh chứng rằng Phật giáo chính là một trong những di sản đặc biệt văn hóa không thể tách rời đối với mỗi người dân Việt Nam và đất nước Việt Nam. Ngoài ra, sau đại lễ Phật đản, chúng ta đã hợp tác rất chặt chẻ với các nhà lãnh đạo PGVN, tôi xin được gửi lời tri ân tới tất cả những vị đã làm việc vì đức Phật và Phật giáo của chúng ta, dù việc tổ chức rất khó khăn nhưng họ đã làm được, điều đó cho thấy PGVN vô cùng vững mạnh, cũng là nền tảng cũng cố cho nền hòa bình thế giới. Quan trọng hơn, tôi xin cám ơn hàng trăm ngàn bạn tình nguyện viên đã hỗ trợ cho chúng ta không mệt mỏi những ngày đại lễ vừa qua.

Vesak 2014 đã được khép lại với sự đồng thuận: Tuyên bố Ninh Bình 2014 với 7 điều và 31 điểm tóm tắt lại chủ đề đại lễ Vesak LHQ 2014 với “Quan điểm Phật giáo nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”.

Tác phẩm nghệ thuật tổ quốc múa “Huyền nhiệm Bát nhã” chào mừng thành công của đại lễ. Buổi lễ đã chính thức khép lại trong niềm hoan hỷ vô biên của tất cả mọi người. Hy vọng, với sự thành công rực rỡ của mùa đại lễ Vesak 2014 lần này, Việt Nam và Phật giáo Việt Nam sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng của bạn bè Quốc tế khắp nơi.

Bái Đính tháng 5 năm 2014

Giác Hạnh Hoa
(Đạo Phật Ngày Nay)


Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
13 Tháng Sáu 2015(Xem: 10060)
12 Tháng Sáu 2015(Xem: 12593)
Đây là bài Diễn văn của Giáo sư Tiến sĩ Damien Keown trong Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc – lần thứ 12, tổ chức tại Thái Lan từ ngày 28 – 30 tháng 5 năm 2015 với chủ đề hội thảo “Phật giáo và Khủng hoảng Thế giới”
24 Tháng Năm 2015(Xem: 12696)
Bốn biển, năm châu thơm ngát hương trầm- Mừng Đản Sanh, bậc Xuất Trần Vô Thượng Sĩ- NGƯỜI đến từ huyền nhiệm, linh thiêng- Phúc lành vô khả tỷ- Rồi Xuất Gia, Đắc Đạo, Niết Bàn!
23 Tháng Sáu 2014(Xem: 10926)
Hiện tình Việt Nam là nguy cơ hơn bao giờ hết, vì về mặt nội trị có quá nhiều bất ổn và về mặt đối ngoại có quá nhiều tổn thương. Lý do chính là vì lãnh đạo đất nước đặt quyền lợi Trung Quốc và quyền lợi riêng lên trên quyền lợi của dân tộc. Mọi vấn đề hiện nay có thể sẽ được giải quyết được một phần nào khi có sự hiểu biết của toàn dân, đồng thuận chính trị, và quyết tâm chuyển hướng...
18 Tháng Sáu 2014(Xem: 12788)
Một trong những vị cao tăng của Úc, ngài Ajahn Brahm, được Việt Nam mời đọc tham luận về “ Bình Đẳng Giới và Trao Quyền cho Nữ Giới ” tại đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc ở Việt Nam vào tháng 5 , 2014. Thật không may là Ajahn Brahm đã không được phép trình bày bài tham luận này do một lệnh cấm từ Ban Tổ Chức UN Vesak áp đặt chỉ một ngày trước khi hội nghị bắt đầu.
16 Tháng Sáu 2014(Xem: 12478)
Tham luận “The Way to World Peace via an Integrated Kantian and Buddhist Perspective” được tác già trình bày tại Diễn Đàn Phật Giáo và Xây Dựng Hoà Bình Thế Giới, Trung Tâm Hội Nghị Quốc Tế Bái Đính, Ninh Bình ngày 9.5.2014 và in trong Buddhist Contribution to Global Peace Building,
25 Tháng Năm 2014(Xem: 8340)
Sau thành công của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2008, Ủy ban Tổ chức quốc tế (IOC) bao gồm đại diện của các truyền thống Phật giáo ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ...