Đường Về Mai Thôn Tịnh Thủy

10 Tháng Mười 201000:00(Xem: 66717)

ĐƯỜNG VỀ MAI THÔN
Tịnh Thủy


france-map Nhân chuyến du lịch Âu Châu, chúng tôi đến thăm Làng Mai, một trung tâm Phật Giáo, gần thành phố Bordeaux nước Pháp, do một vị Thượng tọa xuất thân từ chùa Từ Hiếu, Thừa Thiên-Huế, Việt Nam thành lập.

Nhóm chúng tôi, đến Paris vào buổi sáng ngày đầu tháng năm, từ phi trường Los Angeles. Vì nhằm đúng ngày nghỉ lễ Lao Động Quốc Tế, và vào dịp cao điểm của cuộc vận động bầu cử Tổng thống Pháp, nên Paris có nhiều biến động chính trị, nhiều hội họp và biểu tình, do đó tình trạng kẹt xe nhiều hơn những ngày thường. Trời Paris đầu tháng năm vẫn còn hơi lạnh với những cơn mưa chợt đến và chợt đi.

Sau một ngày và một đêm nghỉ ngơi, chúng tôi, với sự giúp đỡ của một người bạn tại Paris, thuê chiếc xe Opel với giá khoảng 1.000 USD một tháng, lái thẳng xuống miền Nam nước Pháp, trực chỉ thành phố Bordeaux, cho kịp dự những ngày cuối của lễ hội mừng Làng Mai hai mươi tuổi.

Được biết, nhân dịp kỷ niệm đạo tràng Mai Thôn đầy hai mươi tuổi, Làng Mai tổ chức một khóa tu đặc biệt dành cho người Việt khắp Âu Châu về tham dự, bắt đầu từ 7 giờ sáng 27 tháng 4 đến 13 giờ ngày mồng 4 tháng 5 2002. Chúng tôi không ghi danh tham dự trước, vìø chỉ có ý định tham quan hai ngày, để biết các sinh hoạt của một cộng đồng Phật giáo ở AÂu Châu, đã được báo chí Pháp ca ngợi.

Làng Mai nằm ở hướng Đông thành phố Bordeaux, cách Paris khoảng 600 cây số về hướng Nam. Chúng tôi theo bản đồ nước Pháp, lái xe đến thành phốù Bordeaux rồi đi Libourne, một thị trấn nhỏ gần Bordeaux vào buổi chiều. Từ đây dùng hương lộ D 670 rồi D 936 đến Sainte Foy La Grande, cửa ngõ vào Làng Mai. Mặc dầu có bản đồ chỉ dẫn in từ Website Làng Mai, nhưng chúng tôi vẫn bị lạc sau khi đã đến Sainte Foy La Grande.

Làng Mai có tên cũ là Làng Hồng được Hòa Thượng Nhất Hạnh thành lập vào năm 1982. Làng gồm có ba nông trại: nông trại mua đầu tiên ở làng Loubès-Bernac thuộc tỉnh Lot & Garonne, nông trại thứ hai ở làng Thénac thuộc tỉnh Dordogne và nông trại thứ ba ở làng Dieulivol thuộc tỉnh Gironde.

Ngày nay Làng Mai được Hòa Thượng Nhất Hạnh tổ chức thành bẩy nhóm nhà, hay còn gọi là bảy “Xóm”, nằm rải rác trên ba ngôi làng nói trên, gồm có: Xóm Thượng, Xóm Trung và Xóm Đoài ở Thenac; Xóm Hạ ở Loubès-Bernac; Xóm Mới, Xóm Mới Đầu Thôn, Xóm Mới Lưng Đồi ở Dieulivol. Khi thành lập trung tâm Phật Giáo này vào năm 1982, Hòa Thượng Nhất Hạnh đặt tên là Làng Hồng để tưởng nhớ “Làng Hồng” ở Việt Nam. Hồng ở đây là một loại cây ăn trái, tiếng Mỹ tên là persimon. Đến năm 1983, nhân khi đứng trên đỉnh đồi thầy thấy, có lẽ bằng trí tưởng, hoa mai trắng nở cả đồi, nên Hòa Thượng đổi tên “Làng Hồng” thành “Làng Mai” (Plum Village), hay còn gọi là “Đạo Tràng Mai Thôn”.

Hiện nay mỗi xóm có một ngôi chùa, như Xóm Thượng có chùa Pháp Vân, Hòa Thượng đặt tên chữ là “Thệ Nhật Sơn Pháp Vân Tự” dành cho tăng sinh. Xóm Hạ có chùa Cam Lộ, tên chữ là “Mai Hoa Thôn Cam Lộ Tự”ä dành cho ni sinh. Xóm Mới có chùa Từ Nghiêm, tên chữ là “Thiên Ý Thôn Từ Nghiêm Tự” cũng dành cho ni sinh.

Thật hơi khó diễn tả để cho độc giả chưa từng đến Làng Mai mà chỉ biết về Làng Mai qua báo chí, qua sự truyền khẩu, và đã có sẵn dấu ấn đẹp về một ngôi làng quê Việt Nam trong tiềm thức. Khi đến đây, ý nghĩ đầu tiên của chúng tôi là Làng Mai không giống như như báo chí diễn tả. Chùa không có mái cong, không có cổng tam quan, như chùa Thiên Trù, chùa Tây Phương ở miền Bắc Việt Nam hay chùa Đức Viên hoặc chùa Huệ Quang ở bang California, Hoa Kỳ. Thực tế, Làng Mai là những xóm nhà nằm rải rác, tọa lạc trên ba ngôi làng, thuộc ba tỉnh khác nhau và cách xa nhau bằng những cánh đồng nho và nhà cửa của dân chúng địa phương. Từ Xóm Thượng xuống Xóm Hạ đi bộ mất hơn một giờ. Còn từ Xóm Hạ muốn đến Xóm Mới, đi bộ phải mất nhiều tiếng đồng hồ, nếu nhẩn nha đi, phải mất hơn nửa ngày đường. Tuy thế, cảnh trí từng xóm nhà thuộc Làng Mai có những nét đẹp riêng, rất gần gũi với thiên nhiên và quê hương, với những bụi trúc vàng, lũy tre xanh, những ao sen, ao súng nho nhỏ, cùng với vườn mận và những con đường thiền hành quanh co....Có lẽ đây là những nét đặc thù riêng của Làng Mai, một quê hương Việt Nam ngự trị trong miền đất tạm dung.

Đối với những du khách như chúng tôi, đến Làng Mai chỉ để thăm viếng, cho nên cái biết hay cái nhìn của chúng tôi có thể khác với cái biết cái nhìn của những người đến tu hay những người có những liên hệ mật thiết với thầy, với bạn, với tăng chúng thường trú tại đây. Quả đúng như vậy, chính Hòa Thượng Nhất Hạnh nói “...cái nhìn của Hòa Thượng Thích Minh Cảnh từ Việt Nam qua ở đây hai tuần, không bằng cái thấy của Thượng Tọa Thích Nguyên Chơn...”, (hay sư cô Thích Nữ Đàm Nguyện cũng từ Việt Nam qua ở đây). Hai vị này được thầy tấn phong chức Giáo Thọ, rồi tháp tùng với tăng đoàn Làng Mai đi Hoa Kỳ và các nơi khác trên thế giới.

Sau hơn một tiếng đồng hồ lái xe đi lạc từ Sainte Foy La Grande đến làng Dieulivol, chúng tôi mới đến được Chùa Từ Nghiêm thuộc Xóm Mới. Sư cô tri khách người Tây Phương nói tiếng Anh lưu loát, đã sắp xếp để chúng tôi gặp sư cô Chơn Không.

Trong lúc chờ đợi sư cô Chơn Không tiếp tại trai đường của Chùa Từ Nghiêm, chúng tôi có dịp quan sát trong và ngoài trai đường. Phía trên lò sưởi, nơi chính giữa trai đường, là bức hình Phật và Chúa Jesus đứng bên nhau. Chung quanh tường được trang hoàng bằng những chữ viết tay, như là “Ngày Em Hai Mươi Tuổi”, “Ngày Ấy Bên Nhau”, “Trong Ấm Ngoài Êm”, “Hai Sương Một Nắng”....

prunierVì gặp lúc đang tổ chức thiền trà, nên chúng tôi phải chờ hơi lâu mới được gặp sư cô. Qua khung cửa kính, chúng tôi thấy dáng sư cô đi từ thiền đường về trai đường, vẫn thong thả như bao giờ. Gặp chúng tôi, sư cô vui vẻ tiếp chuyện, với giọng nói của người miền Nam chậm rãi và nhỏ nhẹ. Chúng tôi giới thiệu từng người trong nhóm, ngỏ lời thăm hỏi sức khỏe sư cô và trao một thùng quà 50 CD nhạc Phật Giáo của ca sĩ Hà Thanh ở Boston gửi tặng Làng Mai. Sư Cô hỏi thăm chúng tôi đến ở bao lâu và bảo sư cô tri khách thu xếp nơi ăn và chỗ ở. Sư cô nói cho chúng tôi nghe về khoá tu và những sinh hoạt của Làng Mai. Sư cô giảng về hiện pháp lạc trú và thiền chánh niệm. Sư cô nói rằng: “... chúng ta không cần đi đâu hết, không cần đợi tới sau khi chết rồi mới đi vào thế giới Cực Lạc, an trú trong hiện tại với tâm có niệm và có định thì chúng ta có được tất cả những gì mầu nhiệm ở cõi Cực Lạc....” Một người bạn trẻ trong nhóm chúng tôi trình bày với sư cô về Kinh Quán Vô Lượng Thọ và hỏi ý sư cô về một coiõ Cực Lạc mà đức Thích Ca đã đề cập đến trong kinh này, và được sư cô cười trả lời: “đến đây để nghe pháp hay thuyết pháp”.

Một người khác thưa với sư cô, nếu muốn xin xuất gia, gia nhập Làng Mai, sau khi nghỉ hưu có được không. Sư cô cho biết là được, nhưng với điều kiện là phải xả bỏ hết tài sản, không được gửi tiền hay sang tên tài sản của mình cho con cháu hay người thân vì kinh nghiệm cho hay, nếu không làm như vậy, vẫn còn trở ngại trên đường xuất gia. Tuy nhiên, có một điều chúng tôi ghi nhận là đa số quý tăng ni sinh tu ở đây đều là giới trẻ, thường là đã tốt nghiệp đại học, có một số vị đã tốt nghiệp cao học (thạc sĩ) và tiến sĩ, và thường nói giỏi hai ngôn ngữ. Anh K., người đã hỏi câu trên, cho chúng tôi biết, hồi còn ở Việt Nam, vào những năm đầu thập niên 60, anh đang là sinh viên, có đến gặp thầy Nhất Hạnh tại Chùa Ấn Quang, để xin xuất gia, nhưng thầy khuyên nên học xong đại học rồi đến gặp thầy. Bây giờ anh đã lục tuần, có vợ con và vẫn chưa đủù duyên xuất gia. Anh K. cũng cho chúng tôi biết thêm, thầy Giác Thanh, đã được anh giúp vượt biên qua Hoa Kỳ rồi sau này qua Pháp, gặp Hòa Thượng Nhất Hạnh. Nay Thượng Tọa Giác Thanh không còn nữa.

Sau khi dùng cơm chiều xong, chúng tôi được tham dự khoá lễ buổi tối lúc 20 giờ tại thiền đường Chùa Từ Nghiêm.

Qua hôm sau, thứ Bảy ngày 4-5-02, chúng tôi tham dự với tính cách quan sát khoá lễ truyền Tam Quy Ngũ Giới, được tổ chức vào lúc 5 giờ 30 sáng, dưới sự chủ lễ của Hòa Thượng Nhất Hạnh. Buổi lễ quy y không có đông người tham dự.

Thiền đường Từ Nghiêm rộng và thoáng, được thiết trí rất nhiều cửa sổ, nhìn ra ngoài thiên nhiên, sức chứa có thể lên tới 1.000 người, trang trí rất đơn sơ nhưng không kém vẻ trang nghiêm. Chính giữa là bàn thờ Phật với tôn tượng đức bổn sư mạ vàng cao khoảng hai mươi lăm centimeters và một bình hoa lan. Bên cạnh là bàn thờ tổ Khương Tăng Hội, sơ tổ thiền tông Việt Nam. Tất cả bồ đoàn và tọa cụ đều một mầu tím. Thiền sinh ngồi trên tọa cụ đặt thành từng hàng trên sàn thiền đường. Sau lễ truyền tam quy ngũ giới thì chúng tôi dùng điểm tâm vào lúc 7 giờ.

Đến 9 giờ sáng, tất cả tăng ni và cư sĩ tại bảy xóm, đều vân tập về thiền đường Từ Nghiêm tham dự lễ bế mạc. Chúng tôi ước chừng hôm nay có khoảng trên 250 người tham dự. Khi buổi lễ bắt đầu, Hòa Thượng Nhất Hạnh bước vào từ cánh cửa bên hông thiền đường, theo sau là một ni cô thị giả giúp thầy cởi bỏ áo khoác ngoài và phụ đắp y cho Hòa Thượng. Dáng Hòa Thượng nhẹ nhàng khoan thai hướng về chiếc bục gỗ và ngồi xuống trong tư thế kiết già. Hòa Thượng bắt đầu giảng dạy bằng giọng nói miền Trung thật nhẹ, nhẹ đến nỗi chúng tôi phải cố gắng lắng nghe mới nghe được. Thỉnh thoảng Hòa Thượng nâng chén trà bằng cả hai bàn tay và uống chậm rãi từng ngụm....

Chủ đề của buổi thuyết pháp hôm nay là “Con người chết sẽ đi về đâu?”. Mở đầu Hòa Thượng giảng về thuyết “ẩn tàng và biểu hiện”, về 18 giới và 10 cõi... Hòa Thượng giảng: “Chết chỉ là ý niệm và Niết Bàn là sự thật vượt thoát khỏi bát bất, tức vượt thoát tám ý niệm: có và không, tới và đi, sinh và diệt, một và khác. Kiến tánh là thấy được tự tánh của mình, thấy được bản chất của sự vật, không có cũng không không, không sinh cũng không diệt, không một cũng không khác, không tới cũng không đi....” Hòa Thượng đưa thí dụ “hãy nhìn vào từng đợt sóng biển, sóng là sinh tử, nước là Niết Bàn. Nếu sóng nhận biết mình là nước, thì sẽ vượt thoát khỏi sinh tử và thấy Niết Bàn hiện tiềân, không còn sợ sinh tử. Chúng ta đang là Niết bàn. Chúng ta đang an trú trong Niết Bàn, không cần phải tìm kiếm Niết bàn đâu xa, cũng không phải đợi tới vài chục năm nữa chúng ta mới chết. Ta đang sanh, đang trú và đang diệt trong từng sát na, trong giây phút hiện tại....”

“...Niết Bàn không phải là một thực thể riêng biệt. Niết Bàn không thể nào tìm thấy ở ngoài cõi sinh tử, vậy nó ở đâu? Câu trả lời rõ ràng là: nó phải được tìm ngay trong thế giới sanh diệt, trong giây phút hiện tại. Cái không sanh diệt phải tìm ngay trong cái sanh diệt. Tìm Niết Bàn nơi đâu? Tìm ngay nơi những hiện tượng vô thường của thế gian...”

Hòa Thượng giảng tiếp: “... Những đám mây trên trời từ đâu đến và bay về đâu? Mây đã lên đường và chúng ta cũng đã lên đường. Một phần mây đã thành mưa, thành tuyết, đã đi luân hồi và trở thành một phần của bông hồng. Bản chất của mây là bất diệt . Chúng ta cũng vậy, đã lên đường chứ không đợi chết mới đi. Vì thế, chúng ta cần phải chuyển hóa những cái xấu, chuyển hoá những giận ghét, phiền muộn, tham đắm thành hoa trái (tươi đẹp) để đi luân hồi. Đức Thế Tôn của chúng ta cũng đi luân hồi, nhưng đi luân hồi với trí tuệ và từ bi. Chúng ta phải nhìn sự vật qua hai dạng chủng tử và hiện hành hay hai trạng thái “ẩn tàng và biểu hiện”. Nhìn hoa lá thấy mây trời... Chúng ta vì chấp tướng nên mới sầu khổ, nên hãy nhìn sự vật bằng con mắt vô tướng...”

Sau bài thuyết giảng về con người chết sẽ đi về đâu của Hòa Thượng, thì tăng đoàn Làng Mai đồng ca bài “Nam Mô Bồ Tát Quán Thế AÂm” để tạ ơn Phật và chư tổ đã gia hộ cho khóa tu được thành công viên mãn.

Được biết, Thiền Chánh Niệm là phép thực tập căn bản ở Làng Mai, và chánh niệm có nghĩa là an trú trong hiện tại, thấy được cái gì đang xảy ra trong hiện tại. Pháp môn thực hành hiện nay tại Làng Mai là phối hợp pháp môn Thiền Tịnh, được thầy diễn giải trong sách Thiết Lập Tịnh Độ.

Hiện nay, Làng Mai có khoảng gần 100 vị xuất gia thường trú và Hòa Thượng Nhất Hạnh đã sáng tạo ra “chương trình bốn năm đào tạo người xuất gia và thường sau 5 năm sẽ trở thành GiáoThọ”, tức làm thầy dạy. Hiện có 70 vị giáo thọ xuất gia và 30 vị giáo thọ tại gia, đi khắp nơi giảng dạy. Bên cạnh đó, Làng Mai còn có một dòng, gọi là dòng Tiếp Hiện gồm khoảng 700 người và ở khắp nơi trên thế giới. Những vị này có thể là tu sĩ và cư sĩ, họ tuân thủ 14 giới. Với cư sĩ tiếp hiện, những vị này là cầu nối giữa tăng đoàn xuất gia và Phật tử tại gia.

Có thể nói Đạo Tràng Mai Thôn tức Làng Mai hiện nay là một tu viện Phật Giáo Việt Nam ngoài Việt Nam, có đông người xuất gia nhất. Và người có công nhất, ngoài Hòa Thượng Nhất Hạnh là sư cô Chơn Không, mà một người trong nhóm chúng tôi cho rằng, sư cô là một nhà administrator giỏi. Ngoài ra, phải kể đến Thượng Tọa Giác Thanh, một vị sư mà mọi người đều quý mến, là chất liệu xúc tác không thể thiếu trong mọi tiến trình xây dựng và vun trồng.

Hòa Thượng Nhất Hạnh còn tiến xa hơn nữa, là đang có “khuynh hướng toàn cầu hóa, pháp môn chánh niệm, không mang mầu sắc tôn giáo”, Hòa Thượng đã và đang mang những lời dạy của Phật vào nhà thờ, vào trại tù và nhà thương. Hòa Thượng đang vượt ra khỏi ranh giới tôn giáo. Đây là điểm rất đặc biệt của một tổ chức Phật giáo đương đại, các đệ tử xuất gia cũng như tại gia của thầy, được dạy là “phải vượt khỏi cái hạn hẹp “tôn giáo” của đạo Phật, để tới một cái trí tuệ không màu sắc tôn giáo mà phụng sự đời”. Chiều hướng của Hòa Thượng Nhất Hạnh là hòa đồng các tôn giáo với nhau. Phật với Chúa Jesus là anh em, cùng dắt tay nhau đi thiền hành. Một bằng chứng cụ thể là Năm Giới Cấm của Phật tử tại gia, được Hòa Thượng viết lại với thể văn trong sáng, phù hợp với thời đại và đặt tên lại là Năm Chánh Niệm. Một quyển sách hòa đồng “Living Buddha Living Christ” cùng một bức hình vẽ Phật và Chúa Jesus đứng bên nhau, được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng người Tây Phương. Ngoài ra còn 14 giới tiếp hiện cũng do Hòa Thượng sáng tạo, dành cho dòng Tiếp hiện. Khi mới đề ra 14 giới tiếp hiện này Hòa Thượng Nhất Hạnh đã bị chống đối rất nhiều và không thể áp dụng tại Việt Nam được, vì có một giới liên hệ đến sự “cho ra đời những sinh mạng mới”. Nay Hòa Thượng đã cho sửa đổi giới này để tu sĩ hay cư sĩ nhập dòng đều thọ được. Hiện tại, dòng Tiếp Hiện đang được tiếp nhận ở phương Tây một cách chậm rãi, cũng như Hòa Thượng và Làng Mai, sau ba mươi năm hiện diện trên đất Pháp, người dân Pháp mới lặng lẽ đón nhận.

Hòa Thượng Nhất Hạnh, theo báo chí Pháp cho biết là một trong những nhà tu Phật giáo nổi tiếng hiện nay trên thế giới. Dáng người nhỏ, bước đi chậm rãi nhưng đã bước những bước thật chắc và đã gieo trồng hạt giống Phật tại nhiều nơi. Chính sách của hòa thượng đang vượt thoát khuôn khổ tôn giáo của đạo Phật. Điều này, có lẽ phải mất nhiều thập niên mới thấy được kết quả hướng đi mới này.

Trời đã xế trưa, trước khi từ giã Xóm Mới, chúng tôi dạo quanh chùa Từ Nghiêm, ghé thăm quán sách, chụp hình và quay phim lưu niệm. Chúng tôi gặp lại anh Cao Thái, anh ruột sư cô Chơn Không, một ca sĩ mà chúng tôi biết từ Việt Nam, có sáng tác nhiều bài thơ thiền. Anh đọc cho chúng tôi nghe một số bài, trong đó có bài thơ “Con Cá”(*). Chúng tôi xin ghi lại đây như là một kỷ niệm với anh trong dịp viếng Làng Mai. Sau đo, sư chú Pháp Từ, một tăng sinh đến đây tu học từ Việt Nam, đã hướng dẫn chúng tôi tham quan Chùa Cam Lộ, vườn mận và gác chuông, thuộc Xóm Hạ. Cuối cùng chúng tôi đến thăm Xóm Thượng, thiền đường Chuyển Hóa và dùng cơm chay tại trai đường Chùa Pháp Vân.

Chúng tôi giã từ Xóm Thượng, giã từ Làng Mai và sư chú Pháp Từ trong niềm lưu luyến, trong nắng chiều vàng nhạt trên những lũy tre xanh. Con đường quê quanh co, không biết dẫn chúng tôi về đâu chiều nay?

Tịnh Thủy

(*) CON CÁ

Tôi là con cá dưới sông

Có cha, có mẹ, có chồng có con
Trông con trông mỏi trông mòn
Trông khi họp mặt coi còn đủ không
Ngày ngày dong ruổi chạy rong
Kiếm ăn đây đó đỡ lòng mới thôi
Bữa kia nghe tiếng con tôi
Mẹ ơi con đã mắc mồi rôì me
Lạy Trời lạy Phật chở che
Cho cha cho mẹ cho bè con thơ
Thành người tôi sẽ ước mơ
Kiếp sau sẽ chẳng bao giờ đi câu.
(Cao Thái)


dsc00132
Ảnh Đức Chúa Jesus và Đức Phật đứng bên nhau treo tại trai đường chùa Từ Nghiêm, Xóm Mới
dsc00136
Thiền đường Chuyển Hoá
dsc00126
Bên trong thiền đường chùa Từ Nghiêm, Xóm Mới cùng nghệ sĩ Cao Thái
dsc00123
Tác giả bài viết ngồi trước bảng chỉ dẫn lối vào Làng Mai
langmaiplumvillages
Gác chuông
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
14 Tháng Mười Hai 2020(Xem: 3826)
10 Tháng Năm 2019(Xem: 4813)
04 Tháng Giêng 2019(Xem: 6816)
28 Tháng Mười Một 2018(Xem: 5936)
30 Tháng Mười 2018(Xem: 6220)
24 Tháng Mười 2018(Xem: 6925)
27 Tháng Tám 2018(Xem: 5395)