Quan Điểm Về Chính Trị Xã Hội Của Đạo Phật

10 Tháng Mười 201100:00(Xem: 12110)

QUAN ĐIỂM VỀ CHÍNH TRỊ XÃ HỘI CỦA ĐẠO PHẬT
Tuệ Đạt


 Mỗi khi lật lại các trang sử của các thời đại, chúng ta đều thấy lúc nào cũng diễn ra chiến tranh, nào là chiến tranh giành quyền lực, nào chiến tranh giành lãnh thổ, nào là chiến tranh tôn giáo. Tại sao con người lại luôn sát phạt lẫn nhau như thế, tại sao họ không cùng nhau chung sống trong hòa hợp và yêu thương?

A. DẪN NHẬP:

 1. Tính cấp thiết đề tài và mục đích nghiên cứu:

 Mỗi khi lật lại các trang sử của các thời đại, chúng ta đều thấy lúc nào cũng diễn ra chiến tranh, nào là chiến tranh giành quyền lực, nào chiến tranh giành lãnh thổ, nào là chiến tranh tôn giáo. Tại sao con người lại luôn sát phạt lẫn nhau như thế, tại sao họ không cùng nhau chung sống trong hòa hợp và yêu thương? Tất cả cũng chỉ vì lòng người tham lam, thù hận nên con người đã không từ bỏ một thủ đoạn nào để tranh thủ quyền lợi cho bản thân mình. Trong tình trạng ấy, đạo Phật xuất hiện, mang thông điệp hòa bình và tình thương đến với nhân loại, đạo Phật đã chan hòa trong cuộc đời, đem ánh sáng Phật pháp hòa vào cuộc đời. Vì thương yêu nhân loại, muốn nhân loại chấm dứt chiến tranh và hận thù mà chính đức Phật đã hướng dẫn những người lãnh đạo quốc gia đường hướng chính trị đúng đắn nhất có thể đem đến hòa bình, phú cường cho đất nước. Tiếp nối tinh thần nhập thế cao đẹp ấy của đức Từ phụ, hàng đệ tử xuất gia của Ngài cũng đem giáo pháp pháp truyền bá khắp năm châu, và chính họ bằng phương tiện này hay phương tiện khác, giúp các nhà lãnh đạo quốc gia biết trị nước theo chính pháp hay nói khác là giúp họ biết trị nước theo đường hướng chính trị mà đức Phật từng chỉ dạy cách đây hơn 25 thế kỷ. Chính vì thế ở đâu xuất hiện bóng dáng của đạo Phật là ở đó tình thương có mặt, chiến tranh chấm dứt, khổ đau vơi dần.

 Thế nhưng nhân loại ngày nay đang sống trong một thế giới mà lòng hận thù sợ hãi của con người càng ngày càng chồng chất sâu đậm bởi nạn khủng bố, bạo động và chiến tranh không ngừng xảy ra hầu như mọi lúc, mọi nơi, khiến nhân loại không khỏi giật mình lo lắng. Xã hội thừa thù hận, thiếu tình thương, thừa kẻ thù, thiếu tình bạn, thừa súng đạn, thiếu áo cơm, thừa chất thải thiếu cây xanh … một xã hội mất cân bằng nghiêm trọng. Có phải chăng xã hội thiếu bóng dáng đạo Phật và đạo đức con người đang bị tha hóa nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, người con Phật ray rứt, muốn làm một cái gì đó cho nhân sinh, và tự đặt câu hỏi : người con phật phải làm gì để thiết lập lại sự thăng bằng cho xã hội, cũng như xây dựng nền tảng hoà bình cho nhân loại ; làm thế nào để trong xã hội mà những người tha hóa, đầy hận thù và bạo lực này biết tìm đến với đạo Phật, quy y Tam bảo, thực hành theo Năm giới Phật chế; làm thế nào để những người lãnh đạo quốc gia biết tìm đến với đạo Phật, xây dựng và bảo vệ đất nước theo phương hướng chính trị mà đức Phật chỉ dạy. Chính vì những vấn đề bức xúc và cấp thiết này mà người viết chọn đề tài: “Quan điểm chính trị xã hội của đạo Phật”. Khi chọn đề tài này, người viết muốn làm một viên gạch nhỏ xây dựng ngôi nhà đạo đức Phật giáo trong lòng nhân loại cũng như muốn giới thiệu cho những người lãnh đạo quốc gia thấy được đường lối chính trị đúng đắn và tuyệt vời của đạo Phật, mong rằng họ sẽ hiểu và làm theo như thế để xây dựng đất nước trở thành một quốc gia hùng mạnh và thịnh trị nhất. Người viết nghĩ đó là một sự đóng góp nhỏ bé của mình trong việc xây dựng hòa bình và an lạc cho nhơn sinh.

 2. Giới hạn đề tài:

Khi trình bày vấn đề chính trị xã hội, dù là chính trị xã hội phật giáo, nhưng đòi hỏi người viết phải là người am hiểu về tình hình chính trị xã hội của các thời đại cũng như phải am hiểu về chính trị xã hội trong bối cảnh hiện tại mới có thể trình bày đề tài một cách đầy đủ và sâu sắc được. Thế nhưng mặt hạn chế của người viết là kiến thức thực tế về các vấn đề chính trị xã hội vẫn còn khiếm khuyết, nên trong quá trình làm bài, người viết chỉ đặt trọng tâm trình bày về các kiến thức chính trị xã hội mà đức Phật đã chỉ dạy trong kinh điển, và những quan điểm chính trị ấy đã có một sự đóng góp như thế nào cho các quốc gia khi ứng dụng nó, còn về phần đối chiếu quan điểm chính trị Phật giáo với quan điểm chính trị của các nhà chính trị trên thế giới thì người viết xin thông qua phần này. Là một Ni sinh còn bồng bột trong suy nghĩ nên trong quá trình thể hiện đề tài có gì còn khiếm khuyết xin chư vị giáo thọ chỉ giáo thêm.

 3. Phương pháp nghiên cứu:

Trong quá trình nghiên cứu và trình bày đề tài, người viết sử dụng phương pháp phân tích, chứng minh, bình luận với mục đích thể hiện các vấn đề một cách chặt chẽ, có hệ thống để người đọc hiểu rằng đường lối chính trị mà đức Phật đưa ra là một đường lối chính trị tuyệt vời có thể xây dựng đất nước hùng cường thịnh trị mà không một thế lực nào có thể đánh đỗ, không một quốc gia nào có thể đánh bại, một đất nước trong đó con người sống trong chánh pháp, biết đoàn kết hòa hợp một lòng cùng nhau xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

 

B. NỘI DUNG:

 I. CHÍNH TRỊ LÀ GÌ ?

 1. Khái niệm:

Theo tự điển định nghĩa: “Chính Trị” là tất cả những hoạt động , những vấn đề liên quan tới giai cấp, xã hội, dân tộc, quốc gia xoay quanh một trung tâm, đó là vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước. [1]

 2. Chính trị là gì:

Trong tác phẩm “Chính Trị” Aristotle đã khẳng định, con người theo bản năng tự nhiên đã có tính chính trị.

 Trong lịch sử phát triển của loài người, con người luôn tìm đến chân lý và lẽ phải. Nhưng trên đường đi tìm đến chân lý và lẽ phải đó con người hay áp đặt lý lẽ mình cho là đúng lên lý lẽ của người khác. Cuối cùng bên nào cũng cho lý lẽ, đường lối của mình là chính nghĩa, là đúng; đường lối của ngừơi khác là sai, là phi nghĩa. Bao giờ cũng vì cái nguyên nhân cho mình, phe mình là đúng, là chính đáng mà tạo nên những tranh chấp, và thường thì những tranh chấp không giải quyết ôn hòa, mà bằng bạo lực đưa tới chiến tranh.

 Dựa theo định nghĩa trên chúng ta thấy chính trị xoay quanh trung tâm vấn đề giành, giữ và sử dụng quyền lực nhà nước, cho nên nó bao trùm nhiều lãnh vực khác như văn hóa, xã hội, từ thiện…

 Với một nhà cầm quyền là người có đức, có tài lãnh đạo thì quốc gia đó giàu mạnh, nhân dân sống trong ấm no, hòa bình và hạnh phúc, còn nếu với một nhà cầm quyền độc tài, tham nhũng, thối nát lãnh đạo thì quốc gia đó sẽ có nhiều tệ nạn xã hội, văn hóa suy đồi, dân chúng nghèo đói…cho nên chỉ lo văn hóa, xã hội, từ thiện … là chăm sóc cái cành, cái ngọn.. . còn cái gốc ốm yếu, èo uột thì có bỏ bao nhiêu công sức chăm sóc cành và ngọn, nó vẫn còi cộc, xác xơ. [2]

 

II. NGUỒN GỐC CỦA QUỐC GIA:

 Theo Phật giáo thì quốc gia bắt nguồn từ việc lấy lợi ích của mọi người làm trung tâm. Căn cứ theo kinh Thế Kỳ, Thế Bản Duyên Phẩm (Trường A Hàm, quyển 22) thì khởi sơ thế giới này là một lạc độ, cuộc sống con người không còn khó nhọc hay lo âu về miếng ăn, manh mặc. Nhưng về sau một mặt vì lòng dục của con người một ngày một tăng, mặt khác vì sự thiếu thốn những vật thực thiên nhiên, cho nên đối với đất đai đã phát sinh chế độ tư hữu và phải lo tự lực cày cấy mới có ăn. Trong những điều kiện ấy lòng dục con người lại càng mạnh, một mặt lo tích trữ và phòng thủ tài sản của chính mình, mặt khác còn đi cướp bóc những tài sản của kẻ khác. Do đó mà nhân gian đã phát sinh những cuộc tranh đấu không ngừng. Dân chúng vì không chịu nổi sự thống khổ đó nên mới cùng nhau suy tôn người có uy đức lên làm vua hay lãnh chúa để che chở và bảo hộ họ, phân xử những điều chính, tà và thay họ phân chia tài sản, lập nên chế độ tiết ước, thế là nguồn gốc của quốc gia đã bắt đầu. Nói một cách đơn giản thì quốc gia là quyền thống trị được quy định bởi kết quả của dân ước, trong đó mỗi người dân đều muốn được bảo vệ quyền lợi và tài sản tư hữu của mình. Điều này có điểm phảng phất tư tưởng pháp của Rousseau. Đương nhiên tưởng pháp này chưa hẳn đã là tưởng pháp riêng của đức Phật mà có thể là nhiều nhà luật học Bà la môn thời bấy giờ cũng cùng chung ý kiến ấy. Luật điển của Bà la môn đã quy định nhiệm vụ của một nhà vua là làm công bọc cho quốc dân, để mưu cầu sự thịnh vượng và công bằng trong đất nước, nhân dân phải lựa chọn lấy vua của mình. Nhưng ta có thể nói cái phương pháp lấy dục làm trung tâm mà hạn chế tư dục để trù mưu cuộc chung sống, chung hưởng. [3]

 

III. NHÌN VỀ CHÍNH TRỊ QUAN CỦA PHẬT GIÁO:

 Đạo phật vốn không có chủ trương làm chính trị, chính trị và đạo Phật hai lối đi khác nhau. Đạo Phật chủ trương giải quyết vấn đề khổ đau, hướng đến giải thoát sanh tử luân hồi của kiếp nhân sinh, còn chính trị là những hoạt động gìn, giữ, sử dụng quyền lực của một đảng phái hay một đất nước, nghiêng về đấu tranh và dùng các thủ đoạn. Trong kinh Tăng Nhất A-hàm, phẩm Kết Cấm, quyển 42, có một quy định Tỳ-kheo không nên thân cận quốc vương, nếu không có thể xảy ra 10 vấn đề bất lợi cho Tỳ-kheo và phương hại đến giáo đoàn (Đ.2.775c). Kinh Trung A-hàm, quyển 49, kinh Đại Không, quy định rằng, “Sa-môn không nên bàn luận việc quốc vương, và đấu tranh…” (Đ.1.739a26-27). Trong kinh Tăng Nhất A-hàm, quyển 43, phẩm Thiện Ác, Phật bảo các Tỳ-kheo rằng: “Các vị không nên khen hay chê việc trị quốc của vua, và không nên bàn luận thắng liệt của vua.” (Đ.2.782c5). Bởi vì, Phật giáo không có biên giới, không đảng phái, không tham dự đấu tranh chính trị. [4]

 Mặc dù chính trị không phải là mối quan tâm của đức Phật, nhưng đức phật quan tâm đến sự bình an và hạnh phúc của tha nhân, nghĩa là quan tâm đến sự thịnh trị hay biến loạn của quốc gia nên hẳn nhiên Ngài đã đưa ra các phương pháp làm chính trị như thế nào để nhân dân được ấm no hạnh phúc, đất nước thái bình thịnh vượng. Hơn thế nữa chúng ta hiểu lý do vì sao mà trong kinh tạng đức Phật đề cập đến chính trị, vì sao đức Phật đưa ra nhiều phương pháp trị nước cho các vị vua đến tham vấn. Để hiểu được điều này, chúng ta phải hiểu qua thực trạng quốc gia và chính trị của Ấn Độ thời đại đức Phật như thế nào.

 Ấn Độ vào thời đại đức Phật (thế kỷ thứ năm trước Tây lịch) chia ra mười mấy nước, trong đó những nước lớn mạnh thường muốn thôn tính những nước nhỏ yếu, nên tình trạng giữa các nước rất rối ren. Những nước nhược tiểu tìm đủ mọi biện pháp chống trả để bảo vệ sự sống còn, có khi liên minh với các nước nhỏ khác để tạo thành liên bang cho đủ sức mạnh đối địch lại với các cường quốc. Nhưng trong tổ chức liên minh ấy nước nào có thế lực hơn thì dành quyền làm bá chủ, thành thử giữa các nước nhỏ cũng lại tranh chấp nhau không dứt. Tình trạng Ấn Độ vào thời kỳ này thật có nhiều điểm tương tự như tình hình Trung Hoa ở thời Xuân Thu Chiến Quốc của Trung Quốc vậy. Nếu nói về tình hình nội chính thì trong hơn mười tiểu quốc đó, có nước là vương quốc, có nước là cộng hòa, chính thể tuy khác nhau nhưng người nắm quyền chính trị thì đai khái là những người thuộc giai cấp Sát-đế-lị. Những người này vì muốn nắm lấy cơ hội biến động để quật khởi nên một mặt muốn được sự tin tưởng của giai cấp Bà-la-môn, mặt khác lại muốn mua chuộc lòng tin cậy của giai cấp Phệ Xá và giai cấp Thủ -đà-la, đó là một việc không phải dễ dàng, nếu vô ý một chút sẽ bị quần chúng oán thán, do đó mà uy quyền sẽ giảm. Vì công việc nội chính và ngoại giao phức tạp như thế nên các nhà làm chính trị thường mong đợi ở một nhà làm tôn giáo danh tiếng giúp ý kiến để vượt qua những khó khăn ấy. Đức Phật là một trong những vị đạo sư danh tiếng thời bấy giờ, cho nên người ta không lấy làm lạ khi thấy đức Phật cũng được hỏi ý kiến liên quan đến những vấn đề chính trị. Và chính trị vì để giải đáp những vấn đề thực tế đó mà đức Phật đã phát biểu quan niệm chính trị của Ngài. Trong số đệ tử hoặc tín đồ của Phật vì có nhiều quốc vương, đại thần đến tham vấn Ngài nên Ngài có nhiều cơ hội để trả lời những câu hỏi của họ về đạo giải thoát cũng như các vấn đề chính trị chủ yếu. Do đó mà Phật giáo có nhiều chính trị quan một cách ngẫu nhiên như vậy. [5]

 Chính trị quan của Phật giáo như đã nói ở trên, chủ yếu là những lời giải đáp của Phật về những câu hỏi của các nhà chính trị, đặc biệt là những người lãnh đạo quốc gia. Điểm quy kết là lấy việc vua tôi hòa thuận, trên dưới một lòng làm trọng điểm cho chính trị.

 

IV. CÁC QUAN ĐIỂM CHÍNH TRỊ XÃ HỘI CỦA PHẬT GIÁO:

 1. Tư đức và pháp trị của người lãnh đạo quốc gia:

 1.1. Tư đức:

Người lãnh đạo quốc gia là người đứng đầu một nước, là đầu não của đất nước, là người có quyền lực cao nhất nắm giữ vận mạng của quốc gia. Vì là người giữ một vai trò quan trọng như thế, nên tư đức của người lãnh đạo rất ảnh hưởng đến sự đi lên hay đi xuống của quốc gia. Nếu người lãnh đạo là người biết đặt quyền lợi của nhân dân và đất nước lên trên lợi ích cá nhân của mình, đem hết tài năng và trí tuệ ra lo cho dân cho nước thì đất nước đó sẽ đoàn kết, thịnh vượng, còn ngược lại nếu người đứng đầu quốc gia là người chỉ biết lợi dụng quền lực và địa vị của mình để lo cho mọi sự hưởng thụ dục lạc mà vơ vét tài sản của dân xây cung vàng điện ngọc, bắt dân phải ra chiến trường đi đánh nhau các nước khác để mở mang bờ cõi, thì đó là một ông vua bạo tàn làm cho dân chúng oán than, đất nước loạn lạc, quyền lực của vua sẽ sớm rơi vào tay kẻ khác. Một ông vua hay người đứng đầu một nước nếu không có tư đức thì dù có xảo quyệt và thủ đoạn đến đâu cũng sẽ không thu phục được lòng dân, sẽ thất bại trong quá trình điều hành đất nước.

 Trong thời kỳ Đức Phật còn tại thế - cũng như hiện nay - có nhiều vị vua cai trị bất công. Sưu thuế bị tăng lên quá đỗi và hình phạt rất tàn ác. Dân chúng bị áp bức, bóc lột, tra tấn, giết chóc. Đức Phật vô cùng xót xa trước những sự ngược đãi vô nhơn đạo ấy. Kinh Dhammapadatthakathà thuật lại rằng Đức Phật hằng lưu ý đến vấn đề tổ chức một nền hành chánh nhơn đạo. Ý kiến của Ngài được thích dụng trong quy chế xã hội, kinh tế và chánh trị trong thời kỳ ấy. Ngài chỉ cho thấy rằng toàn cả một xứ bị suy vong, đốn mạt và khốn khổ khi những người nắm vận mạng quốc gia, như vua chúa, quần thần, quan lại quá đỗi tham tàn và bất công. Muốn cho xứ sở được thanh bình thạnh trị thì những người cầm quyền phải công minh, chánh trực. Dưới trí tuệ và lòng từ vô hạn, đức Phật hiểu rất rõ vấn đề này nên mỗi khi nói chuyện với các vị quốc vương về chính sự, đức Phật thường khuyên họ phải trau dồi tư đức. Trong bộ chú giải Jàtaka I (Chuyện Tiền Thân), tr. 260, 399, - II, tr. 400; - III, tr. 274, 320; - V, tr.119, 378 có ghi lại mười đức của một vị vua như sau:

1. Phận sự đầu tiên là đức tính khoan dung, quảng đại, từ thiện. Vị quốc Trưởng phải là người không tham tham, không luyến ái tiền bạc của cải, mà phải sẵn sàng đem ra bồi đắp hạnh phúc cho dân lành (Dàna).

2. Phải có hạnh kiểm đạo đức cao thượng (Sìla) là không sát sanh, không dối trá, không gian tham, không lợi dụng kẻ khác, không tà dâm, không nói những điều hư ngụy, không uống vật có chất say. Nghĩa là ít nhất phải giữ Ngũ Giới.

3. Hy sinh tất cả cho việc lợi ích cho dân (Pariccàga). Sẵn lòng hy sinh sự sung sướng, tên tuổi, thanh danh và mạng sống cho quyền lợi của dân.

4. Thanh liêm, chánh trực (Ajjava). Không sợ áp lực và cũng không đặc biệt ưu đãi một ai trong khi thi hành nhiệm vụ. Phải chân thật trong ý muốn và không dối gạt quần chúng.

5. Dễ thương, ôn hòa (Maddava). Phải có đức tánh ngọt ngào, mềm dịu.

6. Khắc kỷ, nghiêm túc trong thói quen (Tapa). Phải sống giản dị, không để bị lôi cuốn trong xa xí. Phải biết mình.

7. Không ghen ghét, không ác ý, không thù hằn (Akkodha). Không tích oán, hiềm thù với ai cả.

8. Không bạo động (Avihimsa). Chẳng những không làm hại ai, mà phải tích cực biểu hiện hòa bình, cố tránh và ngăn ngừa chiến tranh cùng tất cả những gì gây ra bạo động vè giết chóc.

9. Nhẫn nại, tha thứ, châm chế, hiểu biết (Khanti). Phải có đủ khả năng chịu đựng thử thách, khó khăn, nhục mạ và không giận.

10. Không chống trả, không làm cho bế tắc (Avirodha). Nghĩa là không chống lại ý muốn của dân, không ngăn cản một biện pháp nào có thể đem lại hạnh phúc cho dân. Nói cách khác, phải một mực hòa hợp với dân. [6]

Còn trong kinh Tăng Nhất A Hàm, quyển 42, cáp bản tr. 449, đức Phật nói đến mười đức của một vị vua như sau:

1. Thanh liêm và khoan dung.

2. Khéo nghe lời can gián của bầy tôi.

3. Hay thi ân cho dân chúng cùng vui.

4. Việc thu thuế phải y theo pháp định.

5. Việc phòng the phải chỉnh túc.

6. Không để rượu làm rối loạn tinh thần.

7. Siêng năng, không cười đùa cợt nhã, phải giữ gìn uy nghiêm.

8. Phải xét xử theo luật pháp, không thiên vị quanh co.

9. Phải hòa hợp với quần thần không cạnh tranh với họ.

10. Luôn luôn phải để ý đến sức khỏe của thân thể. [7]

 Mười đức mà đức Phật chỉ dạy cho các vị vua trong các kinh tạng trên đây là mười tiêu chuẩn xây dựng đạo đức của người lãnh đạo quốc gia. Trước hết theo như lời Phật dạy vị vua phải có tính thanh liêm và khoan dung, không tham lam, không luyến ái tiền bạc, đây là một tiêu chuẩn cần thiết của một người lãnh đạo. Vua có thanh liêm, mới không sống xa hoa hưởng thụ, không tham tài sắc, địa vị, tiền bạc chỉ sống thanh bạch giản dị; có khoan dung, vua mới có đủ lòng từ thấu hiểu nổi khổ, và hoàn cảnh của mọi người, nhất là người dân bần hàn cơ cực, mới có những cách xử trí khoan dung độ lượng được. Vị vua đó phải là người hết lòng thương dân, lúc nào cũng đặt quyền lợi của dân lên trên quyền lợi cá nhân mình và phải có những đức tính ôn hòa, mềm mỏng. Bên cạnh đó vua là người sáng suốt, biết nghe theo lời can gián của tôi trung, không độc đoán làm theo ý mình, không ưu đãi một ai trong lúc thi hành nhiệm vụ. Còn việc phòng the, vua phải giữ tiết độ, không đắm say tửu sắc để giữ gìn sức khỏe và không bỏ bê việc nước, lại còn biết hòa hợp với quần thần, không gây xích mích hầu tránh nguy cơ chia bè phái, nhất là phải yêu chuộng hòa bình, tránh bạo động chiến tranh mà gây tang tóc cho đất nước. Nói chung vị vua đó phải kiện toàn đạo đức trên nền tảng giữ Năm giới cấm của đạo Phật. Một vị vua mà thực hiện đúng như vậy mới được xem là bậc minh quân tài đức, anh minh.

 Những tiêu chuẩn về tư đức của một vị vua mà đức Phật chỉ dạy trên đây có phần nào giống với các tiêu chuẩn mà Nho gia đã đưa ra. Vua hiền đức, theo Khổng Tử cho rằng muốn trị nước, trước tiên ắt phải sửa cho “chính danh”. Vì nếu không chính danh thì lời nói sẽ không đúng đắn, dẫn đến thi hành sai. Cho nên nhà cầm quyền xưng danh thì phải đúng với phận nghĩa. Đối với quan hệ vua tôi, Khổng Tử chống việc duy trì ngôi vua theo huyết thống và chủ trương “ trọng hiền” không phân biệt đẳng cấp xuất thân của người ấy. Trong việc chính trị, vua phải biết trọng người hiền đức, tài cán và rộng lượng với kẻ cộng sự. (Luận ngữ, Tử Lộ, 2). Ơng còn nói nhà cầm quyền phải thực hiện ba điều : bảo đảm đủ lương thực cho dân no ấm; phải xây dựng lực lượng mạnh đủ để bảo vệ dân; phải tạo lòng tin cậy của dân đối với mình” (Luận ngữ, Nhan Uyên, 7). Như vậy cái cốt yếu nhất trong đạo trị nước theo tư tưởng nhân chính là lấy nhân nghĩa, xuất phát từ lòng chẳng nỡ của các bậc vương giả làm cơ sở. Bên cạnh đó, Mạnh tử kiên quyết chủ trương phế bỏ những ông vua vô đạo. Nếu vua là một kẻ bạo chúa, thì có thể giết để đổi mệnh vua. Trong điều kiện xã hội thời bấy giờ, việc Mạnh Tử công khai quan điểm đòi “truất ngôi vua vô đạo” là sự biểu hiện rõ nét lòng dũng cảm, ý chí khẳng khái và tư tưởng nhân bản của ông. Theo Mạnh Tử, ông vua nhân đức không chỉ là ông vua biết thương dân mà còn là ông vua biết dùng người “quý kẻ có đức, tôn người có học, kẻ hiền tài được ở ngôi, kẻ giỏi được chức vị, nước nhà nhàn hạ, lo sửa sang việc kinh, viêc chính cho phân minh…” (Mạnh Tử, Công Tôn Sửu Thượng) [8]. Tóm lại trong học thuyết về chính trị xã hội với tư tưởng “nhân chính” và “bảo dân”…có ý nghĩa tiến bộ, phù hợp với yêu cầu và xu hướng phát triển lịch sử xã hội và có phần nào giống với tư đức của một người làm vua mà đức Phật đã đưa ra. Phàm làm vua phải lấy nhân nghĩa làm trọng, phải thương dân, làm mọi việc có lợi cho dân, phải là một ông vua sáng suốt biết trọng dụng người tài đức. Nói chung người làm vua phải là người có tài đức để đủ sức gánh vác giang sơn. Tuy nhiên những tiêu chuẩn của vua mà Khổng Tử và Mạnh Tử đưa ra ở trên chỉ giống một phần tư đức vua mà đức Phật đưa ra thôi, chứ chúng ta thấy rõ ràng trong cái tương đồng vẫn có cái khác biệt. Vì chúng ta biết rằng chủ trương của Nho gia không thấy đề cập đến các yếu tố chỉnh túc việc phòng the, ít uống rượu và giữ gìn sức khỏe, nên hầu như đa số các vị vua chúa, đặc biệt là các vua Trung Hoa họ rất thoải mái vấn đề này, họ có rất nhiều vợ nên thọ mạng ngắn ngủi, đó là hậu quả do không biết tiết độ sắc và tửu. Và bên Nho gia cũng không nhấn mạnh việc vua phải tuân giữ Năm giới như của đức Phật. Vì vậy phần tư đức của một người lãnh đạo theo quan điểm Nho gia vẫn chưa trọn vẹn lắm. Cho nên công bằng mà nhận xét, chúng ta thấy so với các quan niệm tư đức của người lãnh đạo đất nước mà các triết gia khác đã đưa ra thì tư đức mà đức Phật đã chỉ bày cho các vị vua hoàn hảo hơn nhiều.

 Đạo Phật khuyến khích nền tảng đạo đức và việc sử dụng quyền lực với ý thức trách nhiệm. Đức Phật tuyên giảng về hòa bình và bất bạo động như là một thông điệp phổ quát. Ngài không chấp nhận bạo lực và hủy hoại sinh mạng. Ngài tuyên bố rằng không có một chiến tranh nào là chiến tranh của công lí. Ngài dạy: "Người thắng tạo căm thù, kẻ thua sống khổ sở. Người nào từ bỏ thắng và bại thì người đó sống an vui và hạnh phúc." Lời dạy của Đức Phật về các bổn phận đạo đức của vua chúa để sử dụng công quyền, bảo đảm an sinh người dân đã giúp cho vua A Dục (Asoka), vào thế kỉ 3 TCN, cai trị đất nước của ông. Hoàng Đế A Dục, là một thí dụ điển hình của nguyên tắc đạo đức nầy, đã sống và thực hành Chính Pháp cho tất cả mọi người dân trong triều đại của ông. Ông quảng bá chính sách bất bạo động đến các vương quốc lân cận, cam đoan các thiện ý của ông, và gửi sứ giả đi khắp nơi để truyền bá thông điệp hòa bình và bất bạo động. Ông cỗ vũ sự ứng dụng của các nguyên tắc đạo đức trong xã hội, như chân thật, từ bi, bác ái, bất bạo động, nhân từ, không hoang phí, không chiếm đoạt, và không gây sát hại cho mọi loài vật. Ông khuyến khích tự do tôn giáo và bình đẳng tương kính giữa mọi đức tin. Ông thường du hành thuyết giảng Đạo Pháp đến người dân ở tận thôn quê. Ông thiết lập các công trình công cộng như bệnh xá, cung cấp thuốc men, trồng cây gây rừng, đào giếng, các công trình thủy lợi, và nhà tạm trú. Ông cũng đặc biệt ngăn cấm việc đối xử tàn ác với các loài thú vật.

 Tóm lại, trị nước bằng đức trị là quan điểm chính trị trọng tâm của đức Phật, làm vua mà thiếu đức chỉ có thể đưa đất nước đến chổ suy tàn hoại vong vì lòng dân oán than, không ủng hộ. Theo đức Phật, bên cạnh trị nước bằng đức độ, vua còn phải biết trị nước bằng các pháp tắc chuẩn mực, mới có thể hội đủ các yếu tố để đưa đất nước đến chổ bình an và thịnh vượng. Thế nên, đức Phật thường hướng dẫn các vị quốc vương hãy điều hành đất nước bằng đức trị và pháp trị.

 1.2. Pháp trị:

Bên cạnh những lời khuyên các vị vua phải bồi dưỡng tư đức, trong kinh Cakkavatti Sihananda Ngài giảng thêm về cách hành xử (pháp trị) của người lãnh đạo như sau :

1. Người lãnh đạo tốt phải biết cư xử công bình, không thiên vị bất cứ nhóm nào.

2. Người lãnh đạo tốt không bao giờ gieo lòng thù hận trong dân chúng.

3. Người lãnh đạo tốt không bao giờ ngần ngại áp dụng luật pháp khi cần thiết.

4. Người lãnh đạo tốt phải thông hiểu luật pháp rõ ràng mỗi khi áp dụng. Luật pháp không phải áp dụng chỉ vì người ấy có uy quyền mà phải áp dụng hợp tình và hợp lý. [9]

Theo đức Phật để làm một người lãnh đạo tốt, người đó không chỉ trang bị cho mình các đức tánh cần yếu của một người điều hành đất nước mà đức Phật còn nhấn mạnh ngoài đức độ ra người lãnh đạo còn phải “áp dụng luật pháp” khi cần thiết. Người lãnh đạo biết cách hành xử công bình không thiên vị bất cứ ai, đề cao sự hợp tình, hợp lý và lại rất cứng rắn áp dụng theo luật pháp. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng trong cách làm việc, nếu không hành xử công bình và cứng rắn thì sẽ gây ra rối loạn trong nội bộ vì con người vốn có tâm bất thiện, dễ làm các việc sai trái nếu luật pháp không nghiêm minh. Bên cạnh đó người lãnh đạo phải hành xử như thế nào để không gieo lòng thù hận trong lòng dân chúng để dân chúng thương mến tin tưởng, ai ai cũng hoan hỷ, tâm phục và khẩu phục. Chúng ta thấy cách hành xử mà đức Phật dạy người lãnh đạo có phần nào giống với “pháp trị” của Hàn Phi Tử thời “bách gia phân tranh thời Tiên Trần”. Đối với việc trị nước, Hàn Phi Tử đưa ra quan điểm: “Cái làm cho trị an là pháp luật, cái gây ra loạn là sự riêng tư. Pháp luật đã thiết lập rồi thì không ai có thể làm điều riêng tư được nữa”. Hàn Phi khẳng định, việc trị nước, quản dân không thể dựa theo lễ nghi truyền thống mà phải được thực hiện trên cơ sở những đạo luật cụ thể và chặt chẽ. Bởi lẽ, “…pháp luật không hùa theo người sang… Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu”. Nhờ học thuyết pháp trị, Tần Thuỷ Hoàng đã chấm dứt cục diện bách gia phân tranh thời tiên Tần, thống nhất Trung Quốc và xây dựng chế độ quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền đầu tiên tại Trung Quốc. Mặc dù vậy, cần phải thấy rằng, pháp luật mà Hàn Phi đề cao là thứ pháp luật hà khắc, tàn bạo, khác xa với pháp luật ngày nay; con người phải vì pháp luật, chứ pháp luật không vì con người; mặt khác, pháp luật dù ở vị trí thượng tôn, trên muôn dân, nhưng lại dưới một người (nhà vua). Đó là hạn chế của học thuyết Pháp trị. [10] Nó hạn chế ở chổ phương pháp đưa ra không sai nhưng người sử dụng nó thiếu đạo đức, nên đã sử dụng nó để bành trướng thế lực của mình, gây chiến tranh đỗ máu, gây oán hận lầm than cho dân chúng, đã tạo nên một thứ pháp luật hà khắc và tàn bạo, nguyên nhân cũng tại vì người sử dụng không có tư đức. Không như đức Phật, Ngài đã khuyên các vị vua biết kết hợp giữa pháp trị và đức trị vì nếu chỉ nghiêng về đức thì những thành phần xấu sẽ lợi dụng lòng nhân của vua để làm loạn, còn nếu quá đặt nặng “pháp trị” mà thiếu đức thì pháp đó sẽ đem đến sự hùng cường của một đất nước nhưng lại mang tính hà khắc và tàn bạo khiến lòng người oán than. Theo đức Phật, người làm vua không để cho một chút tư lợi, tư dục nào xen vào, việc thu thuế má, việc xét xử phán quyết đều y theo pháp luật. Chính trị tuy xây dựng trên tinh thần nhân ái nhưng đối với những kẻ cố tình phạm pháp thì vua phải nghiêm trị. Khi đề cập đến những hậu quả ắt xảy ra nếu người lãnh đạo không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, trong kinh Kim Quang Minh Tối Thắng Vương đã có những điều cảnh giác sau đây:

Thứ nhất, nếu nhà vua không răn cấm những kẻ ác tức là đã đi ngược lại với chính lý, phải theo đúng chính pháp mà trị dân, có theo đúng chánh pháp mới xứng đáng làm vua. Nếu không làm theo chính pháp ắt sẽ bị nhân dân lật đỗ một cách dễ dàng cũng như voi dẫm lên bông sen.

Thứ hai, nếu lấy điều phi pháp trị dân thì dân sẽ làm loạn, quần thần phải chết, bản thân vua cũng chẳng yên, những kẻ địch ở ngoài xâm lược, quốc gia tiêu vong.

Thứ ba, dù có mất ngôi vua, hại đến thân mệnh cũng không làm điều phi pháp. Điều tai hại nhất là dùng những kẻ xiểm nịnh, cũng như người thả voi vào vườn hoa, dùng kẻ xiểm nịnh sẽ có ngày mất ngôi vua. Nếu vua coi người thân thuộc và nhân dân đều bình đẳng, làm đúng chánh pháp, không gây bè phái, thiên vị thì danh tiếng vua được lừng lẫy. cho nên, nười làm vua phải quên mình mà mở mang chính pháp, tôn trọng chính pháp, dạy người làm mười điều lành, nếu được thế thì quốc gia phú cường, nhân dân an lạc (Tân dịch Phật Giáo Thánh Điển, tr. 1367) [11]

Qua những điều cảnh giác của đức Phật, chúng ta thấy rằng đức Phật nhấn mạnh ba điểm chính mà phàm người lãnh đạo đất nước phải chú trọng:

- Lấy chính pháp trị dân: chính pháp là những đạo lý chơn chánh mà đức Phật giảng dạy, hoặc những luật pháp chuẩn mực của quốc gia đã từng ban hành. Vua phải trị dân đúng theo chánh pháp, nếu không làm theo chính pháp ắt sẽ bị dân lật đỗ một cách dễ dàng như voi dẫm lên bông sen.

- Không được dùng những kẻ xiểm nịnh:vì kẻ xiểm nịnh có tâm địa vô cùng xấu xa, họ luôn dùng miệng lưỡi của họ xu nịnh vua, làm hại những bậc trung thần, ly gián vua tôi … khiến cho triều đình rối loạn, rồi dùng mọi thủ đoạn lật đỗ ngôi vua để lên nắm quyền lực. Cho nên đức Phật cảnh giác điều tai hại nhất là dùng kẻ xiểm nịnh, ví như người thả voi vào vườn hoa, hoa sẽ bị voi dẫm nát, cũng thế triều đình sẽ tan nát nếu dùng kẻ xiểm nịnh.

- Trị nước trên tinh thần bình đẳng: làm vua phải lấy tinh thần bình đẳng làm đầu, đây là một yếu tố quan trọng tạo nên sức mạnh đoàn kết của toàn dân. Nếu vua coi người thân thuộc và nhân dân đều bình đẳng, làm đúng chánh pháp, không gây bè phái, không thiên vị một ai thì danh tiếng vua được lừng lẫy, được lòng dân tin tưởng.

Ba pháp trên là ba pháp trọng yếu của một người lãnh đạo quốc gia, nếu quốc gia nào thực hành nó một cách nghiêm túc, chắc chắn quốc gia đó sẽ phú cường, nhân dân an lạc.

 Nói chung, bất cứ một người lãnh đạo nào muốn thu phục nhân tâm và muốn thành công trong việc điều hành đất nước của mình thì phải có đầy đủ những tư đức và pháp trị mà đức Phật nêu ra ở trên. Những tiêu chuẩn này là những tiêu chuẩn trị nước chung cho tất cả những ai nắm quyền lãnh đạo, nó phù hợp không chỉ cho những vị vua thời đức Phật mà nó phù hợp cho những người lãnh đạo trong mọi thời đại, mọi quốc gia và mọi tổ chức.

2. Bảy phương pháp kiện toàn quốc gia:

Để giữ cho quốc gia được cường thịnh, an ổn là một vấn đề không dễ dàng chút nào đối với những người mang trọng trách điều hành đất nước. Mọi gánh nặng luôn nặng trĩu trên đôi vai của họ, họ vừa phải giải quyết với bao công việc trong nước, vừa phải lo đối đầu với sự dòm ngó xâm lược của các nước láng giềng. Nhưng nếu họ không biết cách, hay không có ai hướng dẫn phương pháp khả thi có thể giữ cho đất nước được cường thịnh thì họ không tránh khỏi những sai lầm có thể khiến đất nước suy yếu và dần dần bại vong. Vào thời đức Phật, mỗi khi các vị quốc vương gặp khúc mắc trong vấn đề chính trị, thường đến tham vấn đức Phật, nhân cơ hội này đức Phật đã hướng dẫn cho họ nhiều phương pháp trị nước rất tuyệt vời mà có thể nói nếu những nhà chính trị ngày nay đọc được nó chắc không ai mà không thán phục và công nhận đây là những phương pháp trị nước tốt nhất. Khi dân tộc Vaijji (nước Bạt Kỳ) thành lập nước cộng hòa, có đến hỏi ý kiến đức Phật và Ngài đã chỉ bảo cho các phương pháp để kiện toàn quốc gia. Sau đó dân tộc Vaijji đã thực hiện đúng như lời đức Phật dạy, trở thành một nước hùng mạnh mà không một quốc gia nào có thể đánh thắng nổi. Có lần vua Ajatasattu Vedehiputta (A-xà-thế) nước Magadha, muốn chinh phục Vaijji và tự nói như vầy: “Ta quyết chinh phạt dân Vaijji này, dầu chúng có uy quyền, có hùng mạnh; ta quyết làm cỏ dân Vajji; ta sẽ làm cho dân Vaijji bị hoại vong”. [12] Sau đó vua sai đại thần là Vassakara (Vũ Xá) thay mặt vua đến vấn an và hỏi ý kiến đức Phật Sau khi nghe đại thần Vassakara thuật lại lời của vua Ajatasattu Vedehiputta hỏi, đức Phật đã trả lời rằng dân tộc Vaijji đã thực hiện đúng theo bảy pháp kiện toàn quốc gia mà đức Phật đã chỉ dạy nên rất cường thịnh không nước nào có thể đánh bại. Bảy pháp kiện toàn quốc gia này được ghi lại trong kinh Trường Bộ I, tr. 541- 545 và kinh Trường A Hàm, Kinh Du Hành, tr. 86-90. Trong kinh, đức Phật không trả lời câu hỏi một cách trực tiếp mà Ngài vì muốn xác nhận điều Ngài trả lời là sự thật qua việc hỏi A Nan, để chính A Nan xác nhận và chứng minh điều đó là một sự việc đã và đang xảy ra của đất nước Vaijji:

- Này Ananda, ngươi có nghe dân Vaijji thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau không?

- Bạch đức Thế Tôn, con có nghe dân Vaijji thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau.

- Này Ananda, khi nào dân Vaijji thường hay tụ họp và tụ họp đông đảo với nhau, thời này Ananda, dân Vaijji sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ananda, ngươi có nghe dân Vaijji tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết và làm việc trong niệm đoàn kết không?

- Bạch Thế Tôn, con có nghe …

- Này Ananda, khi nào dân Vaijji tụ họp trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, và làm việc trong niệm đoàn kết, này Ananda dân Vaijji sẽ được cường thịnh, không bị suy giảm. Này Ananda, ngươi có nghe dân Vaijji không ban hành những luật lệ không được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân Vaijji như đã ban hành thời xưa không?[13]

Và cứ thế, đức Phật cứ hỏi và Ananda lần lượt xác chứng có nghe dân Vaijji đã và đang thực hiện bảy bảy pháp môn bất thối đó. Ở đây người viết không nêu ra hết nguyên bản và chỉ tóm lại ý chính của Bảy pháp kiện toàn quốc gia như sau:

1. Phải thường hay tụ họp.

2. Tụ họp đông đảo với nhau trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, làm việc trong niệm đoàn kết.

3. Không ban hành những luật lệ không được ban hành, không hủy bỏ những luật lệ đã được ban hành, sống đúng với truyền thống của dân tộc mình đã ban hành thời xưa.

4. Phải tôn sùng và kính trọng, đảnh lễ, cúng dường các bậc Trưởng lão và nghe theo lời dạy của những vị này.

5. Không bắt cóc và cưỡng ép những phụ nữ và thiếu nữ phải sống với mình.

6. Tôn sùng, kính trọng, đãnh lễ cúng dường các tự miếu ở tỉnh thành và ngoài tỉnh thành, không phế bỏ những cúng lễ đã cúng từ trước đúng với quy pháp.

7. Bảo hộ, che chở, ủng hộ đúng pháp các vị A-la-hán trong đất nước, các vị A-la-hán chưa đến, sẽ đến trong xứ, và những vị A-la-hán đã đến được sống an lạc. [14]

Nói xong bảy pháp này xong đức Thế Tôn xác nhận khi nào dân Vaijji duy trì bảy pháp bất thối này thì dân Vaijji được cường thịnh, không bị suy giảm. Khi được nghe Thế Tôn nói như vậy, đại thần Vassakara bạch Thế Tôn: “ Tôn giả Gotama, nếu dân Vaijji chỉ hội đủ một pháp bất thối này, thời dân Vaijji nhất định được cường thịnh, không bị suy giảm, huống nữa là đủ bảy pháp bất thối. Tôn giả Gotama, Ajatasattu Vedehiputta (A-xà-thế) vua nước Magadha không thể đánh bại dân Vaijji ở chiến trận trừ phi dùng ngoại giao hay kế ly gián…” [15].

 Lời kết luận của đức Phật và đại thần Vassakara cũng là lời kết luận chung cho những quốc độ nào muốn xây dựng một đất nước hùng mạnh, thì điều kiện ắt phải có là thực hiện bảy pháp bất thối mà đức phật đã chỉ dạy cho dân Vaijji. Và dù nước nào thực hiện một pháp trong bảy pháp trên cũng cường thịnh lắm rồi, huống thực hiện bảy pháp một cách trọn vẹn. Chúng ta hiểu rằng đức Phật không phải chỉ dạy bảy pháp này cho dân Vaijji thôi mà cũng chỉ dạy cho vua A-xà-thế và tất cả những vị quốc vương nào đến tham vấn Ngài về các vấn đề chính trị.

 Chủ nghĩa dân quyền được đức Phật nhấn mạnh trong hai pháp đầu: thường hay tụ họp tụ họp đông đảo với nhau trong niệm đoàn kết, giải tán trong niệm đoàn kết, làm việc trong niệm đoàn kết lên. Đây là hai điều kiện làm nên sự đoàn kết và thống nhất tư tưởng từ vua quan cho đến dân chúng đều một lòng một dạ cùng nhau xây dựng và bảo vệ đất nước. Sự nhóm họp thường xuyên trong tinh thần đoàn kết này cho thấy rằng đây là một đất nước thể hiện chủ nghĩa dân quyền, nghĩa là lấy dân làm gốc, tôn trọng ý kiến chung của dân chúng, chứ người lãnh đạo không phải là người độc tài cậy quyền thế làm theo ý mình. Một đất nước mà từ vua đến dân đều cùng một lòng, cùng một ý chí như vậy thì làm sao không tạo thành một đất nước hùng cường cho được.

 Tư tưởng dân quyền này của đức Phật dù được nói ra trong một bối cảnh xã hội cách xa chúng ta hàng mấy chục thế kỷ nhưng trãi qua các thời đại và cho đến bây giờ nó vẫn giữ nguyên giá trị như thế. Vì ta thấy các nhà chính trị giỏi trên thế giới đã vô tình bắt gặp đức Phật trong các tư tưởng chính trị chủ đạo như “đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, đại thành công” (Hồ Chí Minh) hay “đoàn kết là sống, chia rẽ là chết”, và trong dân gian cũng thừa nhận “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”. Đặc biệt, quan điểm dn quyền của đức Phật cũng cùng quan điểm hết sức sâu sắc, mới mẻ của Mạnh Tử về “dân quyền”. Mạnh Tử nĩi : “ dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (dân là quý, xã tắc là thứ, vua là thường). Vì theo ông có dân mới có nước, có nước mới có vua, thậm chí ông còn cho rằng dân còn có khi quan troïng hôn vua. Vì nếu vua làm mất lòng dân, không được dân ủng hộ thì chế độ nhà vua ấy sớm muộn gì cũng bị dân lật đỗ và đưa người xứng đáng lên thay thế. Bên cạnh Mạnh Tử, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người xem dân là quý nên hết lòng thương dân, làm việc gì cũng vì lợi ích chung của dân, đã biết sử dụng sức mạnh đoàn kết toàn dân để lãnh đạo thành công hai cuộc kháng chiến chống giặc Pháp-Mỹ. Và thời đại ngày nay khi con người đã tiến tới trình độ văn minh cao thì nhân quyền được thừa nhận và được bảo vệ, như tuyên ngôn quốc tế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc ngày 10 tháng 12 năm 1948 đã đưa ra bản tuyên ngôn quyền con người cơ bản như quyền sống, quyền tự do và an ninh thân thể, quyền tự do tôn giáo, quyền tự do ngôn luận v.v… Nhìn chung, tư tưởng dân quyền  của đức Phật là tư tưởng khá đặc biệt trong xã hội thời ấy nhưng nó vẫn luôn phù hợp với mọi thời đại.

 Ngoài hai pháp mà chúng ta nêu lên ở trên, đức Phật còn khuyên mọi người trong nước phải biết tôn sùng và kính trọng các bậc trưởng lão và nghe theo lời dạy của họ vì đây là một lối sống đạo đức con người, con cháu phải biết kính trọng cha mẹ, ông bà và mọi người trong hội chúng phải biết kính trọng và tiếp thu các ý kiến của các bậc trưởng thượng, bởi họ là những người từng trãi và rất chín chắn trong suy nghĩ và hành động (ngoại trừ những vị có đầu óc tiêu cực, bảo thủ). Đồng thời mọi người dân phải bảo hộ đúng pháp các vị A-la-hán vì cúng dường và thân cận các bậc Thánh này thì mọi người dân sẽ được lợi lạc vô cùng vì được nghe, hiểu và thực hành chánh pháp và được hưởng các phước báu vô lượng. Và người lãnh đạo không được ban hành những điều luật không nên ban hành vì sợ chính những điều luật không phù hợp sẽ khiến lòng người oán than. Người dân phải biết giữ gìn và thờ cúng các tự miếu vì là nơi thờ tự các quỷ thần, họ sẽ không nơi nương tựa, sẽ quậy phá nếu như chúng ta không giữ gìn chổ ở của họ và cúng kiếng cho họ. Không được bắt cóc phụ nữ và cưỡng ép họ sống với mình vì đó là một việc làm thất đức gây tổn hại đến nhân phẩm con người, khiến họ không còn giá trị như bao người phụ nữ khác. Xã hội ngày nay đầy dẫy những tệ nạn như vậy, những kẻ bất lương dụ dỗ những cô gái hiền lành rồi đem bán vào các ổ chứa khiến cho những người ấy phải sống một cuộc đời tủi nhục, đây là những việc làm vô nhân đạo mà đức Phật cực lực phản đối.

 Đến đây, chúng ta có thể kết luận rằng bất cứ đất nước nào thực hiện theo những pháp kiện toàn quốc gia mà đức Phật dạy ở trên, chắc chắn đất nước đó sẽ hùng mạnh, đó là điều không ai cố thể phủ nhận được. Thực hành đúng bảy pháp trên là đất nước ấy đang làm những công việc thuận với trời đất, thuận với lòng người, đúng chánh pháp khiến cho đất nước hùng mạnh là một điều tất nhiên. Và phải nhìn nhận rằng những gì đức Phật dạy về các điều kiện cần và đủ để xây dựng một đất nước hùng cường dù đã trãi qua một thời gian dài hơn 25 thế kỷ nhưng chúng ta thấy những điều kiện ấy đã vượt qua không gian và thời gian, trở thành các điều kiện chung cho mọi quốc gia muốn xây dựng đất nước hòa bình thịnh trị.

3. Các biện pháp ổn định kinh tế quốc gia:

Việc ổn định quốc tế quốc gia cũng chính là ổn định xã hội, xã hội có ổn định, kinh tế có phồn thịnh thì quốc gia đó mới hùng mạnh, đủ sức đương đầu với các thế lực ngoại xâm. Thế nên, việc ổn định kinh tế là một yếu tố liên quan đến các đường lối chính trị quốc gia.

 Vấn đề đặt ra là, xã hội sở dĩ có nhiều tệ nạn xấu xảy ra là do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là vì kinh tế đất nước đó không ổn định hay nói cách khác là phần nhiều do sự nghèo đói gây nên. Trong kinh Trường Bô II, đức Phật chỉ ra nguyên nhân dẫn đến các tệ nạn xã hội như sau:

“…Vì không cho tiền của những người nghèo, nghèo đói tăng thịnh; vì nghèo đói tăng thịnh nên trộm cắp tăng thịnh; vì trộm cắp tăng thịnh nên đao kiếm tăng thịnh; vì đao kiếm tăng thịnh nên sát sanh tăng thịnh; vì sát sanh tăng thịnh nên nói láo tăng thịnh; vì nói láo tăng thịnh nên nói xấu tăng thịnh; vì nói xấu tăng thịnh nên tà hạnh tăng thịnh …thiếu sự cung kính đối với cha mẹ, thiếu sự kính trọng các vị cầm đầu trong gia đình. Vì những pháp này tăng thịnh nên tuổi thọ con người giảm thiểu, sắc đẹp giảm thiểu …” [16]

Nguyên nhân đầu tiên đưa đến các tệ nạn xã hội là do những người ấy thất nghiệp. Kinh cho thấy, sự nghèo khó phát sanh đầu tiên do sự thất nghiệp đưa đến biến động xã hội và tội phạm. Trong tình huống này, toàn bộ đất nước bị bọn thổ phỉ quấy rối và cướp phá. Việc đi lại trên đường trở nên không an toàn cho tài sản và an ninh cá nhân. Vì sợ hãi do sự mất an ninh đó người dân sống trong lo âu. Kinh mô tả rằng khi nhà lãnh đạo không cung cấp chương trình phát triển kinh tế có định hướng kết quả tốt đẹp, hoặc không quan tâm đến kế hoạch công ăn việc làm dẫn đến sự an lạc cho người dân, thì sự rối loạn và xung đột xã hội sẽ xuất hiện. Trong tình huống thuộc loại này, việc đặt ra hình phạt thường được nhà lãnh đạo chấp nhận không còn là biện pháp chữa trị hữu hiệu để ngăn ngừa tội phạm phát sinh hoặc làm ngừng lại sự bất ổn xã hội. Có một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự nghèo đói và ngăn chặn tội phạm mà đức Phật đã trình bày trong kinh Trường Bộ I như sau:

“… Những vị nào trong quốc độ nhà vua nổ lực về nông nghiệp và mục súc, tôn vương hãy cấp cho những vị ấy hột giống và thực vật; những vị nào trong quốc độ nhà vua nổ lực về thương nghiệp, tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vốn đầu tư; những vị nào trong quốc độ nhà vua nổ lực về quan chức, tôn vương hãy cấp cho những vị ấy thực vật và lương bổng. Và những người nào nào chuyên tâm về những nghề riêng của mình sẽ không nhiễu loạn quốc độ nhà vua. Và ngân quỷ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ, vui vẻ, cho con nhảy trên ngực, sống chẳng khác gì nhà cửa mở rộng”. [17]

Vì hoàn cảnh thất thất nghiệp nên con người ta lêu lỏng, phát sinh trộm cướp để mưu sinh, nhưng nay được vua quan tâm, tùy theo khả năng, nghề nghiệp, sở thích của mỗi người mà giúp cho họ các phương tiện cần thiết để họ mưu sinh và phát triển nghề nghiệp của mình. Nếu mọi người trong nước đều được quan tâm đúng mức như vậy thì đất nước xóa được nghèo đói, con người ta lo làm ăn, không làm những điều bất hợp pháp nữa. Hẳn nhiên, không phải xóa bỏ các tệ nạn một cách tuyệt đối vì trong xã hội vẫn tồn tại những thành phần biếng nhác, chỉ thích sống bằng những nghề bất chính. Tuy nhiên nếu quốc độ nào thực hành theo các biện pháp ổn định kinh tế trên, chắc chắn đất nước đó sẽ an cư lạc nghiệp.

 Đến đây chúng ta thấy rằng sự đóng góp của đức Phật cho nhân loại quả thật lớn lao, những lời dạy của Ngài về chính trị đã góp phần tạo nên sự ổn định xã hội, sự bình an hạnh phúc trong tâm thức mỗi cá nhân. Có thể gọi Ngài là nhà cải cách xã hội lớn trên thế giới. Trong các bài giảng, Ngài đã lên án hệ thống giai cấp và Ngài công nhận quyền bình đẳng của con người. Ngài giảng về nhu cầu cải thiện các điều kiện kinh tế xã hội, công nhận tầm quan trọng của việc phân bố công bằng các của cải giữa người giàu và nghèo, nâng cao vị trí của phụ nữ, khuyến khích việc áp dụng tinh thần nhân bản trong guồng máy hành chính. Ngài dạy rằng xã hội phải được điều hành trên tình thương và lòng từ bi, chứ không dựa vào lòng tham lam. Hơn thế nữa, sự đóng góp của Ngài cho nhân loại còn cao quí hơn, vì Ngài còn đi xa hơn các nhà cải cách xã hội thời đó, vì không ai đã có thể chỉ thẳng vào cốt lõi của các cơn bệnh trong tâm thức của con người. Chỉ ở trong tâm thức thì sự cải cách mới thật sự có ý nghĩa. Các cải cách bên ngoài do các quyền lực áp đặt thì chỉ có hiệu quả ngắn hạn vì nó không có cội rể. Chỉ có cải cách nào dựa trên căn bản cải thiện tâm thức thì nó mới có cội rể vững chắc. Có cội rể vững chắc thì các cành nhánh của cải cách xã hội mới được phát triển tươi tốt, vì chúng được nuôi dưỡng bởi nguồn sinh lực liên tục, đó là nguồn tâm lực của dòng sinh hóa trong cuộc đời. Như thế, các cải cách xã hội chỉ có thể khả thi khi nào mà tâm ý của con người đã được sửa soạn sẳn sàng cho các việc đó. Các cải cách đó sẽ tiếp tục sống mạnh khi nào mà con người sẳn sàng nuôi dưỡng chúng qua sự chuyên cần và tôn trọng sự thật và công lí, và tôn trọng đời sống của đồng bào của họ.

 

V. ĐẠO PHẬT NHẬP THẾ QUA ĐẠO ĐỨC CHÍNH TRỊ PHẬT GIÁO:

 Truyền thống nhập thế đã có mặt từ thời Đức Phật, Thế Tôn vẫn thường nhắc nhở các vị Tỳ kheo : hãy du hành vì lợi ích số đông, vì lợi ích của chư thiên và loài người. Cả cuộc đời đức Phật thể hiện hai chữ nhập thế cao đẹp, Ngài thường đi khắp đó đây thuyết pháp độ sanh, đem lại lợi ích, hạnh phúc, an lạc cho tha nhân. Có những lúc Phật đứng ra làm trọng tài để dàn xếp các cuộc tranh chấp giữa các quốc gia để chấm dứt chiến tranh, cũng có lúc tự lãnh lấy trách nhiệm hòa giải các cuộc cãi lẫy giữa các cặp vợ chồng trong gia đình. Đức Phật tuyên giảng về hòa bình và bất bạo động như là một thông điệp phổ quát. Chẳng những Ngài dạy về hòa bình và bất bạo động, có lẽ Ngài là vị giáo chủ đầu tiên và duy nhất ra tận chiến trường để tìm cách ngăn chặn chiến tranh. Ngài đã hóa giải sự xung đột giữa bộ tộc Sakya và bộ tộc Kolia khi họ muốn khởi sự đánh nhau vì tranh chấp nước sông Rohini, Ngài cũng đã thuyết phục vua Ajatasattu Vedehiputta (A-xà-thế) nước Magadha bỏ ý định tấn công vương quốc của bộ tộ Vajji. Sách Nepan, Hòa Bình Trong Tầm Tay có đoạn: “Xưa kia Đức Thế Tôn cũng đã từng dạy cho các bộ tộc có tranh chấp về vấn đề huyết thống, lãnh thổ các phương cách thương lượng và hòa giải để tránh đổ máu cho dân. Các đại vương Bimbisara và Pasenadi vẫn thường đàm luận với đức Phật và nghe theo lời dạy của Ngài để an dân và trị nước. Ảnh hưởng của đức Phật trong xã hội Ấn Độ vẫn lưu truyền mạnh đến thế kỷ thứ ba trước công nguyên và đã cảm hóa được vua Asoka (273-236 TCN) hiếu chiến, hiếu sát trở thành một bậc minh quân đầy lòng từ bi thương dân, đưa đạo Phật lên làm quốc giáo, tạo nên một cường quốc an lạc tại Ấn Độ thời bấy giờ, đã chứng minh một hoàng đế Asoka biết hối cải về sự tàn sát của muôn vạn sinh linh. Ngài đã thay thế quan niệm “Chiến thắng ngàn quân” bằng lý tưởng “tự chiến thắng mình”, dùng chánh đạo giải phóng con người thoát khỏi những điên cuồng, đem đến hòa bình an lạc cho đất nước”. [18] Tất cả những việc làm cũng như việc Ngài hướng dẫn các vị vua thời bấy giờ về phương cách trị nước như thế nào để đem đến sự cường thịnh và hòa bình cho quốc gia đã nói nói lên một điều rằng “đạo Phật là một đạo nhập thế tích cực, đã hòa nhập vào cuộc đời làm bất cứ điều gì đem lại lợi ích cho nhân sinh”. Đức Phật là một tấm gương nhập thế tích cực cho hàng

 Trãi qua thời gian, tinh thần nhập thế này đã được truyền thừa mãi đến muôn đời sau khi mà đạo Phật tồn tại ở thế gian này. Các vị Thiền sư đã tiếp nhận tinh thần ấy một cách triệt để, các ngài không chỉ lấy tông chỉ : “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” (kinh Viên Giác) ứng dụng trong quá trình tu tập mà biết phát huy tinh thần ấy thành tinh thần nhập thế tích cực, phù hợp với tình hình xã hội, đất nước của mỗi quốc gia. Đặc biệt, có thể nói rằng tinh thần nhập thế của Phật giáo được phát huy cao nhất trong thời đại Lý trần.

 Thế kỷ thứ mười là thế kỷ Việt Nam bước đầu thực sự giành được quyền tự chủ. Khúc Thừa Dụ, Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ nối nhau dấy nghiệp, rồi Ngô Quyền phá quân Nam Hán. Tiếp đến Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 sứ quân, lập ra nước Đại Cồ Việt độc lập. Chính trong thế kỷ này Đạo Phật tích cực đóng góp vào việc dựng nước. Năm 971, vua Đinh Tiên Hoàng định giai cấp cho Tăng sĩ và ban chức Tăng Thống cho Ngô Chân Lưu hiệu là Khuông Việt Thái Sư, chính thức nhận Phật giáo làm nguyên tắc chỉ đạo tâm linh cho chính sự. Cũng trong thế kỷ này mà vua Lê Đại Hành mời Thiền sư Pháp Thuận và Vạn Hạnh làm cố vấn chính trị. Các Thiền sư Khuông Việt, Pháp Thuận, Vạn Hạnh cũng đã tiếp tục giúp vua Lý Thái Tổ trong thế kỷ kế tiếp. 

 Các tăng sĩ tham dự chính sự nhưng không tham dự chính quyền. Họ chỉ tới giúp ý kiến và công việc, rồi trở về chùa. Lý do nào mà họ góp phần vào chính sự? Lý do thứ nhất: Họ là những người có học, có ý thức về quốc gia, sống gần gũi với quần chúng và biết được những khổ đau của dân tộc bị một chính sách đô hộ hà khắc bóc lột. Lý do thứ hai: Họ không có ý muốn tranh ngôi của vua, không giành quyền bính và địa vị ngoài đời, nên vua tin họ. Lý do thứ ba: Họ không cố chấp vào thuyết trung quân (chỉ biết giúp một vua mà thôi) như các nhà Nho, nên họ có thể cộng tác với bất cứ ông vua nào có thể đem lại hạnh phúc cho dân. Lý do thứ tư: Các vua cần sức học của họ, nhất là trong đời Đinh, Lê, các vua đều không phải thuộc giới trí thức. Nho sĩ thì chắc đã không có mấy người, mà lại chỉ trung thành được với một triều đại.

 Trong phần nói về hành trạng của các Thiền sư Ngô Chân Lưu, Pháp Thuận và Vạn Hạnh, ta đã thấy hành động của họ đóng góp nhiều trong lĩnh vực chính trị. Danh hiệu “Khuông Việt” đủ nói lên tầm quan trọng về công tác của ông. Năm 986, khi sứ thần nhà Tống là Lý Giác qua, vua Đại Hành nhờ ông ra ứng đối, bởi vì ông là người có khả năng nhất lúc bấy giờ. Chắc hẳn công trình của Khuông Việt trong chính sự khá lớn, cho nên sách Thiền Uyển Tập Anh mới chép: “Vua Lê Đại Hành rất kính trọng, phàm những việc quân quốc trong triều đình đều đưa cho Ngài cả” (Lê Đại Hành hoàng đế vưu gia lễ kính, phàm triều đình quân quốc chi sự, sư giai dữ yên)

 Tuy giúp nhà Tiền Lê, nhưng khi thấy tình trạng tệ hại do Lê Long Đỉnh tạo ra, Thiền sư Vạn Hạnh đã không ngần ngại ủng hộ Lý Công Uẩn trong việc chấm dứt chế độ dã man này. Sau khi Lê Đại Hành mất, con là Long Việt lên ngôi mới được có 3 ngày thì bị Long Đỉnh giết. Biết trước Long Đỉnh sẽ rất tàn bạo, Lý Công Uẩn đã ôm xác Long Việt mà khóc. Vạn Hạnh cũng thấy rõ nguy cơ ấy nên bắt đầu mới nuôi ý đưa Lý Công Uẩn lên chính quyền, qua sự kiện lời phù sấm ở cây gạo bị sét đánh làng Cổ Pháp, Ông đã tỏ rõ ý nầy và bộc lộ tài thông thái, quyền biến sắp đặt nên sự việc. Sau đó phối hợp với Đào Cam Mộc làm nên việc lật đổ triều Lê, đưa nhà Lý lên ngôi và ổn định triều thần, nhân dân bằng uy tín của mình.

 Thuở ban đầu lập quốc của 3 triều đại này, các Thiền sư đã mở những cuộc vận động gây ý thức quốc gia, đã sử dụng những môn học phong thủy và sấm vĩ trong cuộc vận động ấy, đã trực tiếp thiết lập kế hoạch, thảo văn thư, tiếp ngoại giao đoàn, bàn luận về cả những vấn đề quân sự. Sau khi triều đình đã có đủ người thay thế họ lo các việc đó, thì họ trở về giữ vai trò hướng dẫn tinh thần và cố vấn đạo đức cho triều đình và cho mọi tầng lớp nhân dân. Có những Tăng sĩ thường đi lại cửa khuyết, nhưng nhiều người lại từ chối về kinh khi có chiếu mời. Ngay cả Vạn Hạnh là người có tham dự chính sự nhiều, trong khi làm việc vẫn giữ phong cách xuất thế của mình, xong việc thì rút lui về chùa. Triết lý hành động của Vạn Hạnh tiêu biểu cho thái độ chung của các Thiền sư: làm thì làm vì đất nước, nhưng không mắc kẹt vào công việc, không nương tựa vào danh thế, địa vị, mà cuối cùng họ cũng trở về với việc tu hành yên lặng, tịnh tĩnh của đạo Phật.

 Tăng sĩ đời Trần không trực tiếp đóng góp vào sự nghiệp chính trị nhưng Phật giáo đã là một yếu tố liên kết nhân tâm quan trọng. Tinh thần Phật giáo đã khiến cho các nhà chính trị đời Trần áp dụng những chính sách bình dị, thân dân và dân chủ. Có thể nói đời sống sinh hoạt Phật giáo luôn gắn liền với đời sống sinh hoạt dân tộc. Với xu hướng hòa quang hồng trần, đạo Phật trong thời đại Lý-Trần đã đi vào cuộc đời làm cho đời thêm tươi sáng. Tư tưởng này là sự kết tinh của một tiến trình phát triển lịch sử Phật Giáo Việt Nam từ vua thời Lý Thánh Tông cho đến vua Trần Thái Tông và kế tiếp sau này là Tuệ Trung Thượng Sĩ và Trần Nhân Tông cũng như các thành viên Thiền phái Trúc Lâm. Vào thời Trần tư tưởng này được thực hiện triệt để vì nhu cầu bức thiết của đất nước được đặt ra là dân tộc đang đối đầu với sự xâm lược của quân Nguyên Mông hung hãn và thiện chiến, cho nên cả nước từ vua, quan cho đến thần dân đều phải đoàn kết một lòng, tập trung năng lực và trí tuệ xây dựng và bảo vệ đất nước. Các nhà lãnh đạo quốc gia thời bấy giờ vừa giữ vai trò một nhà lãnh đạo quốc gia, vừa có tư thế một nhà lãnh tụ Phật giáo. Phần lớn họ là những bậc anh hùng dân tộc, vừa có tài cai trị, vừa giỏi chiến lược, vừa có kiến thức quảng bác, vừa có tài kinh bang tế thế. Bên cạnh đó, họ cũng chính là những nhà Phật học uyên thâm đắc đạo như Vua Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ . Họ vừa có tư cách một Bồ tát tại gia, quên mình phụng sự chúng sanh, vừa có phong độ của một Thiền sư siêu phàm thoát tục, cho dù sống trong vàng son nhung lụa mà vẫn không bị phù hoa cám dỗ. Khi đất nước cần các Ngài có thể cầm gươm lên ngựa, đi trước ba quân, xông pha giữa lằn tên mũi đạn, cứu đất nước thoát khỏi ách ngoại xâm; khi đất nước hòa bình các Ngài dùng đức trị dân, đã có những đường hướng, những chính sách đúng đắn xây dựng đất nước như pháp luật nghiêm minh, chính trị ổn định, võ bị vững chắc, văn học được khởi sắc, giáo dục được cũng cố, kinh tế phát triển…

 Phật giáo đời Lý – Trần quả thật mang tinh thần nhập thế năng động, đáp ứng những nhu cầu bức bách của đất nước, đem đạo hòa vào đời, làm cho đời thêm tươi sáng. Chính những nguyên nhân này đã khiến cho thời đại Lý - Trần là thời đại phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam.

 Nhìn chung, trãi qua các thời đại đạo Phật không tách rời cuộc đời mà hòa với cuộc đời như sữa hòa với nước. Các vị chân tu Phật giáo, luôn tiếp nối tinh thần cứu nhân độ thế của đức Phật và chư vị Tổ sư tiền bối nên lúc nào cũng mang trong lòng hoài bão hoằng hóa độ sanh, bằng cách đem ánh sáng đạo Phật đi vào trần thế. Các Ngài vừa lo tu dưỡng, vừa lo đem ánh sáng đạo Phật đi vào cuộc đời, hướng dẫn mọi người trong xã hội thực hành theo những luân lý đạo đức mà đức Phật chỉ dạy như Năm giới, Thập thiện, Bát chánh đạo … Quan trọng hơn, mỗi khi các nhà lãnh đạo quốc gia tin tưởng, trọng dụng và tham vấn về các đường lối chính trị để xây dựng và bảo vệ đất thì các Ngài tận tâm hướng dẫn họ các đường lối chính trị mà đức Phật từng dạy. Nhờ đó, đạo Phật góp phần ổn định trật tự xã hội, xây dựng và bảo vệ đất nước. Đây là những giá trị to lớn mà đạo Phật đã đóng góp cho cuộc đời, xây dựng cuộc đời làm cho đời thêm tươi đẹp.

 

C. KẾT LUẬN:

 Đường lối chính trị mà đức Phật chỉ dạy các vị quốc vương cách đây hơn 25 thế kỷ là một đường lối chính trị đúng đắn và tuyệt vời nhất, có thể đem đến sự hùng cường thịnh trị cho mọi quốc gia nếu biết ứng dụng. Nó đã vượt qua không gian và thời gian, không chỉ phù hợp với thời đại đức Phật tại đất nước Ấn Độ mà nó là đường lối cai trị đất nước chung cho những người điều hành quốc gia trong mọi thời đại. Sự hưng thịnh và vinh quang của triều đại Asoka cũng như như sự hưng thịnh của triều đại Lý - Trần là một sự chứng minh hùng hồn nhất cho sự đúng đắn và tuyệt vời của đường lối chính trị của đức Phật. Vậy tại sao các nhà chính trị trên thế giới ngày nay không áp dụng ? Phải chăng họ chưa từng biết đến một thời đại Asoka và thời đại Lý-Trần hào hùng như vậy. Và nếu có ai đó đã biết đi chăng nữa nhưng có lẽ họ chưa quan tâm nguyên nhân nào tạo nên sức mạnh và thịnh trị của các triều đại ấy hay nói cách khác là họ chưa có cơ hội tìm hiểu các đường lối chính trị Phật giáo, nói chung là họ chưa hiểu đạo Phật nên chưa được cảm hóa bởi đạo Phật. Đấy là những lý do mà tại sao ngày nay trên thế giới bạo động, chiến tranh và khủng bố ngày càng gia tăng vì lòng người đầy tham vọng và hận thù.

 Đứng trước tình trạng ấy người tu sĩ chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ tìm ra một giải pháp chung nhất, phù hợp nhất hầu đem lại hòa bình, an lạc cho nhân loại. Đây là một tinh thần “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”, chúng ta không thể ngồi yên tu hành trong khi nhân loại đang chìm trong chiến tranh, hận thù và đau khổ. Lẽ dĩ nhiên, người tu sĩ không phải trực tiếp tham gia chính trị, vì điều đó đi ngược lại chủ trương tu hành giải thoát của đạo Phật, đạo Phật chỉ quan tâm đến hạnh phúc, hòa bình và an lạc của nhân loại chứ đạo Phật không quan tấm đến chính trị và làm chính trị. Muốn cho nhân loại được hòa bình và hạnh phúc thì người tu sĩ Phật giáo hãy làm cách nào đem giáo lý đạo Phật đi vào cuộc đời, vì giáo lý đức Phật là dòng nước thanh hương có thể xoa dịu nổi khổ đau trần thế, khiến con người biết sống đạo đức, yêu chuộng hòa bình, tôn trọng sự sống. Song song đó, người tu sĩ chúng ta phải làm sao giới thiệu được đường lối chính trị đức Phật chỉ dạy cho các nhà chính trị trên thế giới biết và hành trì theo. Chúng ta khó có thể gặp trực tiếp họ để nói chuyện, nhưng bằng các phương tiện thông tin rộng rãi ngày nay, ta có thể nói điều đó qua sách, viết bài trên Internet, giảng trên băng đĩa … Nói chung là chúng ta phải quan tâm và có định hướng, có tâm huyết rõ ràng mới có thể phổ biến đường lối chính trị của đạo Phật đến với các nhà lãnh đạo quốc gia hay những chính trị gia trên thế giới. Đó là một thái độ tích cực, thể hiện tinh thần nhập thế, đạo đời không hai.

Tuệ Đạt



[1]www.vietbao.com 

[2]www.vietbao.com 

[3] T. Q. Đ (dịch), Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận (của Kimura Taiken), knxb, knxbTr. 465

[4] Trisu@phattuvietnam.net

[5] T. Q. Đ (dịch), sđd, tr. 464

 

[6] Phạm Kim Khánh (dịch), Luân Lý Phật Giáo Và Xã Hội (của HT. Walpola Rahula), knxb, 1965 (quangduc.com)

[7] T. Q. Đ (dịch), Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận (của Kimura Taiken), Khuông Việt, kNXB, Knxbtr. 324

[8] Doãn chính ( chủ biên) và tgk., Đại cương Triết học Trung Quốc. Nhà xuất bản Thanh Niên, 2002, tr. 247- 251

[9] HT. Dhammananda, “Buddhism and Politics” trong quyển “What Buddhists Believe”, Hội Buddha Educational Foundation ấn tống, 1995, tr. 235

[10] www.lanhdao.net 

[11] T. Q. Đ (dịch), Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận (của Kimura Taiken), knxb, knxb, tr. 472

[12] Kinh Trường Bộ I, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1991, tr. 539.

[13] Kinh Trường Bộ I, Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1991, tr. 542 và Trường A Hàm, Kinh Du Hành, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1991, tr. 87

[14]Xem Kinh Trường Bộ,  Sđd, tr. 541-545

[15] Sđd, tr. 546

[16] Kinh Trường Bộ II, Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tủ Hống, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1991, tr. 374.

[17] Kinh Trường Bộ I, Kinh Kutadanta, Đại Tạng Kinh Việt Nam, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam ấn hành, 1991, tr. 242

[18] TT. Huyền Diệu, Nepal, Hòa Bình Trong Tầm Tay, NXB Văn Nghệ, 2006, tr. 29

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn