Thích Huệ Đăng
Tư tưởng Vua Trần Nhân Tông có thể tóm tắt qua bài thơ Cư Trần Lạc Đạo, một tác phẩm nổi tiếng của Ngài như sau:
“Nơi đời vui đạo pháp tùy duyên, Đói ăn khát uống mệt nghỉ liền. Kho báu trong nhà tìm đâu tìm nữa, Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”“Nơi đời vui đạo Pháp tùy duyên” là chỉ người đạt được tâm thanh tịnh vắng lặng, chỗ này rỗng rang không một pháp mà diệu dụng không cùng, khi duyên đến lại hiện ra muôn pháp, tùy cảnh duyên căn cơ nhân duyên của từng người mà ứng hiện.
“Đói ăn khát uống mệt nghỉ liền” là chỉ tâm tự tại vô ưu không còn não phiền lo lắng. Chỗ này, người thường tình nghe qua nghĩ ngay rằng: ứng dụng sẽ rất dễ dàng, nhưng đối với một vị Vua ngày lo việc nước, bôn ba xuôi ngược khắp đó đây, trong sự truy đuổi của quân thù, trấn an lòng dân quân kiên định thì làm sao hành được? Thế nhưng lúc đúng thời cơ đến, Ngài chớp nhoáng hạ lệnh, chỉ huy chư tướng lập tức phản công. Lúc đất nước tạm an ổn, một mình thảo biểu nghị hòa, bình thản trước cơn thịnh nộ giận dữ đe đọa báo thù của Hốt Tất Liệt, khiêm cung giữ vững khí tiết, sẵn sàng đối phó họa xâm lăng.
Sau khi đất nước thanh bình, Vua truyền ngôi lại cho con, ôm bình bát, nhập thế hành đạo. Ngài luôn luôn lắng nghe lòng dân, đã xây dựng hệ thống phòng thủ trên núi Yên Tử, nhìn sang phương Bắc để giữ an bờ cõi, một tâm dạy đạo truyền chánh pháp, dẹp tan mê tín dị đoan, đi khắp đó đây hành đạo.
Khi nghe con là Vua Anh Tông say sưa ăn chơi truỵ lạc bỏ bê việc nước, Ngài hiện tướng giận dữ nghiêm khắc huấn từ dạy dỗ. Như vậy thì việc ứng dụng “đối cảnh vô tâm” nào có dễ dàng! Thế nhưng trong cảnh động loạn này mà tâm Ngài vẫn thường hằng tự tại, hồn nhiên an lạc. Cho nên chỉ có bậc đại trí đã chứng được đạo trong chân không bát nhã, mới trở về được nơi thanh tịnh của nguồn tâm, để thực hiện được điều này.
Vì sao Vua Trần Nhân Tông đã làm được? Vì Ngài đã thấu ngộ và ứng dụng được kho báu Trí tuệ Vô sư thanh tịnh ngay trong căn nhà Năm Uẩn của chính mình: “Kho báu trong nhà tìm đâu nữa, Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền”.
Chỗ ứng dụng này là Trí định của Chư Phật. Trong tâm rỗng rang không một pháp, nói gì đến Thiền, Tịnh hay Mật? Đối cảnh vô tâm nhưng diệu dụng vô biên, tùy tâm thế nhân ứng cơ hiện pháp, dạy người bằng tâm từ bi, bình đẳng, vô ngã.
Như vậy, qua bài thơ này Vua Trần Nhân Tông đã cho chúng ta thấy rõ Ngài đã thấu triệt và ứng dụng được trí tuệ thanh tịnh của chính mình vào cuộc sống và đời tu, tự tại trong sanh tử, chỗ ứng dụng của Ngài không còn nằm trong nghi thức hình tướng và tông phái, mà là chỗ giải thoát giác ngộ của Chư Phật và Chư Tổ hằng đi.
Nét đặc thù của tư tưởng Ngài là lấy cuộc chiến, lãnh đạo toàn dân chống giặc Nguyên Mông làm phương tiện để luyện tâm, ứng dụng trí tuệ này vào đời thành công viên mãn.
Cuộc chiến của nhân dân Đại Việt và đế quốc Nguyên Mông nếu so sánh thì đúng như lời của Ô Mã Nhi nói: “châu chấu mà dám đá xe”.
Thế nhưng, nực cười châu chấu đá xe, tưởng châu chấu ngã ai ngờ xe nghiêng. Cỗ xe khổng lồ đế quốc Nguyên Mông khi vó ngựa đi đến đâu cỏ cây cũng không mọc nổi, lại bị lật ngang nghiêng ngã vì châu chấu của Việt Nam! Trong lịch sử của đế quốc Nguyên Mông đánh đâu thắng đó, chỉ thất bại trước hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản.
Đất nước Nhật Bản đứng vững được là vì cách biển khơi, đường đi hiểm trở. Nhưng riêng, đất nước chúng ta lúc đó thành công được là nhờ Ngài đã kết hợp được mọi phương tiện, Vua Quan cùng một tâm nhất trí, đồng ứng dụng được trí tuệ của đạo Phật từ trong tự tâm chính mình, rồi hiện thực được nơi đời thành tựu, nhàVua đã hiện thực được hạnh nguyện diệu trí nơi đời, tuy là tướng lãnh cũng là Thiền sư cư sĩ chứng đạo, ngang dọc giữa chiến trường, tự tại trong sanh tử. Soái là hiền thánh, nhất thống toàn quân dân nhất trí đuổi quân thù, làm gương mẩu cho đời, danh lành đồn khắp.
Sau khi trí dụng viên thành, đất nước thanh bình Trần Nhân Tông mới xuất gia, hiện thực trí dụng nơi đời, tuyên dương Phật Pháp.
Hình ảnh này chẳng khác Đức Thế Tôn năm năm cầu pháp, sáu năm khổ hạnh và 49 ngày thiền định, 21 ngày tư duy mới ôm bát đi 49 năm hành đạo.
Ngài Huệ Năng ẩn thân trong thợ săn mười sáu năm, trí dụng viên thành mới ra hoằøng pháp.
Ngài Bồ Đề Đạt Ma phải trải qua chín năm diện bích, hoàn thành phương tiện mới ra hóa đạo.
Mỗi vị tùy theo nhân duyên hoàn cảnh của mình lập ra lộ trình sai biệt khác nhau, nhưng đồng nhất là rèn luyện trí dụng nơi đời để hoàn thành Diệu trí trùm khắp. Bởi vì: “Dao bén nhờ mài trên đá, người trí nhờ nơi đời rèn luyện mà trưởng thành”
Thế nhưng môi trường luyện đạo hoàn thành trí dụng của Ngài Trần Nhân Tông khó khăn khốc liệt hơn Chư Tổ rất nhiều, vì phải gánh chịu mang theo vận mệnh thăng trầm của một đất nước, một dân tộc!
Sự thành công của Ngài hiện thực rõ trí tuệ thanh tịnh từ chân tâm ứng dụng là thù thắng nhất để thể hiện rõ Chân lý Phật pháp tại thế gian, chẳng lìa thế gian mà thành tựu, bất cứ người nào vì cộng đồng, đi vào danh lợi mà không vướng mắc danh lợi mới ứng dụng được trí tuệ nơi đời, thì đều phải ứng dụng tư tưởng lớn này mới thành tựu sự nghiệp.
Có người hỏi tại sao Ngài Trần Hưng Đạo được tôn xưng là Đức Thánh Trần còn Vua Trần Nhân Tông lại không được tôn xưng?
Chỗ này, chúng ta nên thấy rõ Vua Trần Nhân Tông tu hành theo Đạo Phật, đã đạt đến chỗ thâm sâu vi diệu và ẩn mật. Khi người tu hành đã trở về chỗ thanh tịnh vắng lặng của nguồn tâm (Thanh Tịnh Đà La ni hay Thập Địa Bồ Tát trở lên) thì làm gì còn Hiền Thánh (Hiền tức tam hiền, chỉ hàng Bồ tát Thập trụ, Thập hạnh Thập hồi hướng. Thánh tức hàng Bồ tát Thập địa)ï. Chỗ này là trí tuệ thanh tịnh bình đẳng (Đẳng giác) và trí diệu dụng trùm khắp tất cả các lãnh vực, dùng mọi phương tiện để ứng dụng thành công (Diệu giác) theo tinh thần Kinh Hoa Nghiêm, chỗ này là Sự Sự Vô Ngại Pháp Giới, vì tất cả mọi lãnh vực ứng dụng đều thành công không chướng ngại. Ngài được thế nhân tôn xưng là Điều Ngự Giác Hoàng hay Phật Hoàng là một vị thành tựu Phật quả ngay trong hiện kiếp.
Theo tinh thần của đạo Phật: “Chẳng cùng phàm thánh ngồi chung, vượt trên gọi đó là tổ”. Ngài Trần Nhân Tông đã vượt ngoài vòng hiền thánh. Trở thành một vị Phật hay bậc trí tuệ giác ngộ viên mãn.
Trần Hưng Đạo vẫn còn là một vị danh tướng, được cả nhân loại công nhận, nhân dân Việt Nam cảm mến đức độ của Ngài là một tướng lãnh đã đánh đuổi quân xâm lăng, bảo vệ sự thanh bình cho đất nước, hộ quốc an dân nên khi mất Ngài được tôn xưng là một vị tướng lãnh trung cang nghĩa khí, nên được nhân gian phong là Đức Thánh Trần Hưng Đạo.
Các vị tướng lãnh trung cang nghĩa khí, vì nước vì dân, sau khi mất thì từ tâm chánh trực trung cang nghĩa khí này, họ tái sanh vào cảnh giới thần đạo thuộc pháp giới A Tu la, hay cao hơn thuộc về pháp giới của Chư Thiên hay cõi Trời. Hình ảnh Quan Vân Trường hay Tả quân Lê Văn Duyệt, Trương Hống Trương Hát, công chúa Liễu Hạnh, bà Chúa Xứ… đều còn nằm thuộc về các pháp giới này, vẫn còn ở trong lục đạo. Cho nên hai pháp giới: cõi Trời và A Tu La, vẫn phải chịu cảnh sanh tử luân hồi, chỉ được thọ mạng phước lực lâu dài hơn cõi thế mà thôi.
Nếu các tướng lãnh tài ba như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… các vị tướng tài trên vẫn còn nằm trong lục đạo luân hồi, nên vẫn phải chịu nghiệp thức. Các vị này nếu ngộ được trong thân này là giả huyễn, chỉ có bản tâm thanh tịnh thường hằng, có trí diệu dụng trùm khắp thì ngay tức khắc trở thành Bồ Tát, thường hằng hành đạo vì lợi ích tha nhân, tự tại trong sanh tử. Nếu vẫn chưa nhận được bản tâm thanh tịnh nơi chính mình, thì vẫn còn luân hồi trong sáu nẻo, trong vòng tục lụy nghiệp trần.
Theo tinh thần Đạo Phật, quan niệm quả vị Thánh của nhân gian khác biệt với quan niệm của Chân Lý Đạo Phật. Hiền thánh của nhân gian còn nằm trong sanh tử luân hồi, nằm trong cõi trời. Ngay cả các vị hiền thánh trong Ky tô giáo hay Nho giáo cũng chỉ nằm trong cõi trời. Các vị thánh triết như Khổng tử, Lão tử… là thánh hiền theo quan niệm thế gian. Theo Đạo Phật, chỗ này chỉ mới tương đương chứng quả Thiện là ở cỏi trời mà thôi, nên chưa thành tựu được lộ trình quả vị thánh của Thanh Văn (quả thánh Thanh Văn phải chứng Diệt Tận Định của Thiền), chỉ khi nào nhận được bản tâm thanh tịnh, hiện bày trí tuệ thanh tịnh của chính mình mới bước chân vào đời nhập thế hành Bồ Tát Hạnh thì mới vào hàng Thập địa bồ tát siêu việt thế gian.
Kết luận: Trí tuệ thanh tịnh tự tâm, người người đều sẵn có, nhưng muốn nó hiện bày thì phải có bậc thầy khai thị và một lộ trình chính xác. Người muốn nhập thế hành đđạo, để hiện thực trí tuệ thanh tịnh tự tâm, trước tiên phải nhận được bản tâm thanh tịnh chính mình, chiêm nghiệm hiểu được nó và biết rõ cách thức ứng dụng tâm này vào cuộc sống và đời tu, có đầy đủ sức khỏe trí thông minh và phương tiện mới thực hành được lộ trình này.
Người muốn hiện thực được trí tuệ từ tâm thanh tịnh chính mình phải có đầy đủ tâm hy sinh, tâm nhẫn nhục và tâm siêng năng và đại hùng đại lực mới đi được lộ trình này. Con đường này đòi hỏi hành giả phải hiện thực được các đức tính nhân bản từ bi vô ngã và bình đẳng giữa cuộc đời thường bằng tâm không sợ hãi, lấy khó khăn gian khổ và tịnh hóa được ngũ dục: tài sắc danh thực thùy mới viên thành. Đức Thích Ca Mâu Ni đã thực hiện, Ngài Bồ Đề Đạt Ma, Lục Tổ Huệ Năng và bao bậc chứng đạo khác đã và đang thực hiện.
Tại đất nước Việt Nam, vào thời nhà Trần, Vua Trần Nhân Tông là người tự mình đã hiện thực được lộ trình này, nên được tôn xưng là Điều Ngự Giác Hoàng. Đối với đất nước và dân tộc Ngài đã lãnh đạo nhân dân, đuổi được giặc ngoại xâm hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ, bảo vệ trọn vẹn lãnh thổ non sông, đem lại thanh bình cho đất nước.
Đối với đạo pháp, Ngài thống nhất tư tưởng các thiền phái, mở ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam làm cho cộng đồng hiểu và ứng dụng đạo Phật chính xác trong thời đó, để họ được an lạc tự tại trong cuộc sống.
Với tự thân, Trần Nhân Tông hoàn thành được việc ứng dụng trí tuệ thanh tịnh của tự tâm vào cuộc sống và đời tu, có giải thoát giác ngộ ngay trong hiện tại. Ngài thành Phật tại thế gian này.
Như vậy, muốn giữ gìn và bảo tồn trí tuệ của nhân loại, mỗi con người chúng ta phải hiểu rõ chính mình, có lộ trình đi chính xác và quyết tâm hoàn thành được nó.
Trí tuệ vô sư này chính mỗi con người tự sẵn có trong tâm thanh tịnh của chính mình. Chỗ này, trí tuệ đều bình đẳng, nó không phân biệt tôn giáo dân tộc, hay nam nữ chỉ do tự ngộ được biết rõ lộ trình ứng dụng, và quyết tâm thực hiện trải qua bao gian khổ khó khăn mới mới hoàn thành, đúng như câu nói: “Gian Khổ Là Nấc Thang Thành Công Của Người Trí Cũng là Vực Thẳm Của Kẻ Yếu Đuối Và Biếng Lười”.
Mong sao tất cả nọi người đồng hiểu được mình sẵn có trí tuệ thanh tịnh quyết tâm rèn luyện để hoàn thiện được chính bản thân mình và lợi ích tất cả tha nhân đồng hội ngộ trên chân trời trí tuệ nơi bản thân mình.
Thích Huệ Đăng(Viện Trần Nhân Tông)