Đặc Tính Của Chánh Pháp

19 Tháng Mười 201100:00(Xem: 38401)

ĐẶC TÍNH CỦA CHÁNH PHÁP
Thích Thái Hòa

Người nào đem tâm tranh cãi, đem tâm lý luận, đem tâm suy luận mà đến với đạo Phật, người ấy không bao giờ gặp được đạo Phật. Bởi vì tất cả những gì Đức Phật nói ra, đã trình bày cho mọi người, đó là những gì Ngài đã thực nghiệm, đã chứng ngộ. Bởi vậy, bất cứ ai chỉ tìm hiểu đạo Phật, mà không thực hành pháp của Phật, người ấy sẽ không bao giờ hiểu được đạo Phật là gì.

Chánh pháp do Đức Phật giảng dạy có những đặc tính như sau:

Hiện kiến

Pháp do Đức Phật thuyết giảng, pháp ấy có thể thực hành và có thể chứng nghiệm ngay trong giây phút hiện tại. Chẳng hạn, sau khi quán chiếu, Đức Phật đã thấy rõ pháp Mười hai duyên khởi theo lưu chuyển là thấy ngay gốc rễ của sinh tử. Và Ngài quán chiếu pháp Mười hai duyên khởi theo hoàn diệt là thấy rõ ngay sự có mặt của giải thoát và giác ngộ.

Lại nữa, trong khi quán chiếu pháp Mười hai duyên khởi theo lưu chuyển, thì trong đó Ngài đã thấy rõ ngay Khổ đế và Tập đế. Và trong khi quán chiếu pháp Mười hai duyên khởi theo hoàn diệt thì ngay ở giây phút ấy, Ngài thấy rõ Diệt đế và Đạo đế. Do tu tập và thấy rõ pháp một cách thường xuyên như vậy, nên thực hành pháp của Phật, hành giả có thể chứng nghiệm đời sống giải thoát và an lạc trong từng giây phút của sự sống, nghĩa là có chứng ngộ và sự giải thoát ngay trong cuộc sống này.

Vô nhiệt

Pháp của Phật có hiệu năng làm tươi mát tâm hồn của những ai thực hành nó. Vì pháp ấy đối trị phiền não, mà phiền não là trạng thái làm cho thân tâm nóng bức, khó chịu và khổ đau. Một khi thân đã có những cảm giác khó chịu, thì nó sẽ tác động lên tâm và ngược lại tâm có những cảm giác khó chịu thì nó cũng tác động lên thân, cả thân lẫn tâm đều phát sinh ra những cảm giác khó chịu, và bệnh hoạn cũng có thể phát sinh ra từ những sự bực bội này.

Do đó, một hành giả thực hành pháp của Phật là để trừ bỏ bệnh hoạn của thân và tâm. Lại nữa, bệnh của thân phát sinh là do bốn đại chủng sinh hoạt mâu thuẫn nhau, tạo nên những cảm giác nóng lạnh bất thường, tạo nên những chuyển động của các cơ năng không đều đặn và từ đó chúng có thể phát sinh vô số bệnh lý. Nhưng tất cả những bệnh lý ấy đều bị tác động và ảnh hưởng bởi một tâm hồn bệnh hoạn như lo âu, sợ hãi, khiếp đảm, sầu muộn, sân hận, bất mãn, tham ái, ngu tối mà ra.

Bởi vậy, muốn loại trừ tất cả những bệnh hoạn của thân và tâm, thì hành giả phải thực hành pháp của Phật. Vì chính pháp của Phật là pháp đối trị bệnh hoạn của thân và tâm. Một khi thân và tâm của bất cứ ai không còn bệnh hoạn, thì người ấy có hạnh phúc, có an lạc, người ấy có đời sống của Niết-bàn ngay đây và bây giờ.

Thật vậy, con người chỉ có hạnh phúc và an lạc khi nào con người thật sự có được một thân tâm không tật bệnh, không phiền não. Nhưng, muốn có được một thân tâm như vậy, thì con người cần phải thực hành pháp của Phật. Vì pháp ấy có hiệu năng làm lắng đọng và tiêu tan tất cả những sự sầu muộn, lo âu, sợ hãi, bất mãn, tham ái, sân hận và u tối của tâm hồn.

Tóm lại, pháp của Phật có tính chất làm tiêu tan tất cả những bệnh hoạn, phiền não và đem lại sự tươi mát, an lạc cho những ai thực hành nó.

Ứng thời

Pháp do Đức Phật thuyết giảng, pháp ấy không bị hạn chế bởi không gian và thời gian. Bởi do sự không bị hạn chế này, nên pháp của Phật thích ứng với tất cả mọi không gian và thời gian. Chẳng hạn, trong quá khứ các pháp do duyên mà khởi, trong hiện tại các pháp do duyên mà khởi và trong vị lai các pháp cũng do duyên mà khởi. Vậy, pháp Duyên khởi là pháp do Đức Phật đã giảng dạy, pháp ấy luôn luôn có mặt và thích hợp trong mọi thời gian của thế gian này.

Pháp Duyên khởi do Đức Phật đã giảng dạy, không những ở nơi này các pháp cần có duyên mới sinh khởi, mà ở nơi kia, các pháp cũng cần phải có duyên mới sinh khởi. Vậy, pháp Duyên khởi là pháp Đức Phật đã giảng dạy, pháp ấy luôn luôn có mặt và thích ứng với mọi không gian của thế gian này.

Lại nữa, mọi chúng sanh sinh ra trong quá khứ đều bị những hình thái khổ đau như khổ khổ, hoại khổ, hành khổ, như sanh, già, bệnh, chết, cầu mong mà không được là khổ đau phát sinh... Những chúng sanh sinh ra trong hiện tại, hay trong vị lai cũng như bất cứ ở đâu trong cõi đời này cũng đều bị chi phối như vậy cả.

Do đó, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào trên thế gian này, Đức Phật đều nêu rõ Khổ đế. Và Khổ đế là một sự thật hiển nhiên của các chúng sanh ở thế gian này.

Lại nữa, bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào trong thế gian này, sau khi Đức Phật đã nêu rõ ra Khổ đế, Ngài lại tiếp tục chỉ rõ những nguyên nhân phát sinh khổ đau, đó là Tập đế.
Như vậy, Đức Phật nói về Khổ đế và Tập đế là nói về nhân duyên, nhân quả làm sinh khởi sự khổ đau của thế gian. Bởi pháp mà Đức Phật đã nêu rõ như vậy, pháp ấy không bị hạn chế bởi bất cứ thời gian nào và không gian nào của thế gian này vậy.

Lại nữa, sau khi Đức Phật đã nêu rõ những nhân duyên, nhân quả tạo nên sự khổ đau của thế gian, Ngài lại tiếp tục nêu rõ nhân duyên, nhân quả xuất thế gian, đó là Diệt đế và Đạo đế. Diệt đế là kết quả tất yếu do sự tu tập Đạo đế mà thành tựu. Khổ đế và Tập đế đã được Đức Phật thuyết giảng, nhằm nêu rõ lý do mà thế gian bị trói buộc trong sự khổ đau. Đạo đế và Diệt đế được Đức Phật thuyết giảng nhằm nêu rõ con đường và hướng dẫn cách thoát ly sự khổ đau cho chúng sanh để đến nơi hạnh phúc an lạc. Bởi, pháp mà Đức Phật đã chỉ rõ con đường thoát ly sự khổ đau như vậy, pháp ấy không bị giới hạn bởi bất cứ thời gian và không gian nào.

Vì sao như vậy? Vì trong quá khứ, tất cả chúng sanh đã bị khổ đau và tất cả đều có khát vọng giải thoát. Trong hiện tại, tất cả chúng sanh đang bị khổ đau và tất cả đều đang có khát vọng giải thoát. Trong vị lai, tất cả chúng sanh sẽ bị khổ đau và tất cả đều sẽ có khát vọng giải thoát. Và không những chúng sanh ở nơi đây mà bất cứ ở đâu trên thế gian này cũng đều như vậy cả. Do tất cả chúng sanh hiện hành trong không gian và thời gian trên thế gian này đều bị khổ đau và đều có khát vọng giải thoát khổ đau, nên pháp của Phật nói ra, pháp ấy có tính thích hợp với mọi không gian và mọi thời đại của tất cả chúng sanh vậy. Do pháp của Phật có tính như vậy, nên gọi là ứng thời.

Dẫn đạo

Pháp do Đức Phật thuyết giảng, pháp ấy có tính cách hướng đạo, dẫn đạo, đưa đường, cụ thể và thực tiễn không mơ hồ.

Thật vậy, trước khi Đức Phật sắp nhập Niết-bàn, có những đệ tử lậu hoặc chưa hết, liền thương tiếc khóc lóc, nhưng Ngài đã bình thản dạy bảo rằng: “Các con hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi, Như Lai chỉ là người dẫn đường”. Như Lai tự khẳng định sự hiện hữu của Ngài là người dẫn đường cho chúng sanh về nơi giác ngộ, và giáo pháp Ngài dạy hẳn nhiên cũng phải mang đầy những tính chất như vậy. Nghĩa là giáo pháp của Phật do Ngài chứng nghiệm mà nói ra, pháp ấy có tính dẫn đạo, có tính khơi mở, chỉ bày, thực dụng để giác ngộ và hội nhập.

Bởi vậy, trong kinh Đức Phật đã dặn đi, dặn lại nhiều lần với các đệ tử của Ngài rằng: “Các con hãy nương tựa pháp, hãy lấy pháp làm bậc Đạo sư của chính mình”.
Như vậy, trong lời dạy của Đức Phật, chúng ta thấy rằng, pháp với Ngài là một, pháp hiện hữu là Ngài hiện hữu, và Ngài hiện hữu là pháp hiện hữu. Nên, Ngài hiện hữu như một bậc Đạo sư, thì pháp của Ngài hiện hữu cũng hàm ngụ những tính chất ấy.
Vậy, pháp của Phật hiện hữu là để hướng dẫn cho những ai muốn đi đến đời sống giải thoát và giác ngộ; muốn đi đến cuộc sống có trí tuệ và tình thương.

Nói gọn lại, pháp của Phật có tính chất hướng dẫn thực nghiệm, để đi đến đời sống an lạc, giải thoát cho đời này và đời sau, cho bất cứ ai muốn thực hành nó.

Cận quán

Pháp do Đức Phật thuyết giảng, pháp ấy không phải để tranh cãi, không phải để lý luận, không phải để suy luận. Vì trong kinh Thánh Cầu (Trung Bộ I), Đức Phật dạy: “Pháp do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ có Người trí mới thấu hiểu...”.

Như vậy, người nào đem tâm tranh cãi, đem tâm lý luận, đem tâm suy luận mà đến với đạo Phật, người ấy không bao giờ gặp được đạo Phật. Bởi vì tất cả những gì Đức Phật nói ra, đã trình bày cho mọi người, đó là những gì Ngài đã thực nghiệm, đã chứng ngộ. Bởi vậy, bất cứ ai chỉ tìm hiểu đạo Phật, mà không thực hành pháp của Phật, người ấy sẽ không bao giờ hiểu được đạo Phật là gì.

Trong kinh Trung Bộ, Đức Phật đã dạy: “Pháp của Ta giảng dạy là để thực hành, chứ không phải để nói”. Vậy, những ai đến với đạo Phật là để thực hành pháp của Phật, chứ không phải đến với đạo Phật để mà nói về đạo Phật. Nếu một người chuyên nói về đạo Phật, mà không thực hành đạo Phật, người ấy có thể là con vẹt, là cuốn băng, là tủ đựng sách... người ấy hiển nhiên không phải là nguồn sinh lực của đạo Phật, nên sự an lạc, giải thoát và giác ngộ không bao giờ có mặt nơi họ và người ấy vẫn bị triền miên với những khổ đau mà thôi.

Do đó, pháp của Phật có tính cách cận quán, nghĩa là pháp ấy có tính thực hành, chiêm nghiệm và để an trú vào đời sống giải thoát.

Trí giả nội chứng

Như trong kinh Thánh Cầu, Đức Phật nói: “Pháp do Ngài chứng đạt, pháp ấy chỉ có kẻ trí mới thấu hiểu”. Thật vậy, kẻ ngu si thì tham ái dục, tham danh lợi, chấp ngã sâu nặng, khó mà nhận thức rõ được chân lý, và rất khó mà từ bỏ được tính chấp thủ của họ.
Bởi vậy, trên thực tế, kẻ có trí tuệ thì hết tâm thương yêu và xây dựng cuộc đời, thường đem lại hạnh phúc an ổn cho đời. Trái lại, kẻ ngu si thường đem tâm nhiễu hại cuộc đời, họ không những đem lại sự đau khổ và bất an cho chính họ, mà còn đem lại sự đau khổ và bất an cho kẻ khác.

Lại nữa, người có trí tuệ thì luôn luôn khai mở để cho mọi người thấy rõ chân lý. Trái lại, kẻ ngu si thì thường làm cho chân lý khuất lấp và hay phỉ báng những điều hay lẽ phải.
Do đó, đối với giáo pháp cao thượng, kẻ ngu si không dễ gì tiếp cận, huống nữa là thực hành để có được sự nội chứng. Trái lại, người có trí tuệ thì đối với pháp của Phật, họ sẽ tiếp cận một cách dễ dàng, khi nghe Đức Phật nêu rõ chân lý một cách minh thị. Họ không còn nghi ngờ gì nữa, khi nghe Đức Phật dạy rằng: Đây là Khổ, đây là Tập, đây là Diệt, đây là Đạo. Hoặc nói rằng, khát ái, vô minh, chấp thủ năm uẩn là tự ngã... đó là những tác nhân, tác duyên của mọi sự khổ đau.

Và họ cũng không nghi ngờ gì nữa, khi nghe Đức Phật dạy rằng, các pháp do duyên sinh thì không có tự tính, chúng sinh động, vô thường và không thực hữu. Chúng chỉ tồn tại trong sự tác động qua lại hỗ tương, và chúng hiện hữu trong vòng nhân duyên, nhân quả vô tận. Và họ không còn nghi ngờ gì nữa về pháp Bát chánh đạo, là con đường dẫn đến hạnh phúc, an lạc Niết-bàn.

Bởi, đời sống của trí tuệ là như vậy, nên pháp của Phật đã được người trí tiếp cận và thực hành bằng đời sống nội quán của chính họ.

Pháp hay Dharma còn có nghĩa là trí tuệ, nên người nào chứng nghiệm được pháp, người ấy được mệnh danh là có trí tuệ.

Bởi vậy, Đức Phật là người đầu tiên trong cõi đời này chứng ngộ được pháp, nên Ngài được mệnh danh là bậc Trí Tuệ ở trong đời. Và người đầu tiên dẫn dắt mọi người đi trên con đường trí tuệ. Bởi pháp của Phật có tính chất như vậy, nên pháp ấy được chứng ngộ bởi người trí. Và người được gọi là có trí tuệ, khi nào kẻ ấy chứng ngộ được pháp.
Pháp của Phật do có những tính chất đã được đề cập ở trên, nên bất cứ ai thực hành nó, đều có thể phát sinh đời sống trí tuệ và có sự giải thoát ngay trong cuộc đời này.

Thích Thái Hòa
(Giác Ngộ)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn